Tư vấn - Đối thoại

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nếu bị thất nghiệp, người lao động có tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp được hưởng trợ cấp là bao nhiêu và hưởng từ thời điểm nào? Có phải trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT)?

VŨ ANH MINH (Bắc Giang)

Trả lời:

* Về mức hưởng, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp, Ðiều 50 Luật Việc làm quy định:

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá năm lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá năm lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng BH thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BH thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Ðiều 46 của Luật này.

* Về BHYT, Ðiều 51 Luật Việc làm quy định:

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

2. Tổ chức BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ BH thất nghiệp.

Ðóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu

Vợ tôi chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng BHXH được hơn 17 năm (còn thiếu gần ba năm mới đủ điều kiện năm đóng BHXH để nghỉ hưu). Vậy vợ tôi có thể đóng BHXH tự nguyện một lần để nhận được lương hưu không? Mức đóng được tính như thế nào?

TRẦN HÙNG ANH (Bắc Kạn)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Ðiều 87 Luật BHXH năm 2014; khoản 1 Ðiều 9, Ðiều 10 Nghị định số 134/2015/NÐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Chế độ ốm đau khi điều trị tai nạn không phải tai nạn lao động

Con tôi đang làm việc tại một doanh nghiệp, có tham gia BHXH bắt buộc được hơn 10 năm. Vừa qua, vào ngày nghỉ, khi đang làm vườn ở nhà, không may cháu bị ngã gãy tay, phải vào bệnh viện cấp cứu, bó bột. Vậy thời gian điều trị của con tôi có được giải quyết chế độ gì không?

VÕ THỊ THU (Quảng Bình)

Trả lời:

- Khoản 1 Ðiều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

- Ðiểm a khoản 1 Ðiều 26 Luật BHXH quy định: Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau: Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Như vậy, trong thời gian điều trị chữa lành vết thương, trường hợp như bạn đọc hỏi được nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định. Tổng số ngày nghỉ việc hưởng BHXH trong một năm là 30 ngày không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.