Lăng kinh An sinh

Một năm thành công toàn diện

Có thể nói như vậy về những kết quả mà ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt được trong năm 2019 vừa qua. Ðiều đó thể hiện qua một loạt con số - những chỉ tiêu đều đạt cao hơn so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, khi: Số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 15,2 triệu người, vượt 0,5%; BHXH tự nguyện đạt 570 nghìn người, vượt 21%; BH thất nghiệp đạt 13,4 triệu người, vượt 1,1%; bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 85,4 triệu người, vượt 0,6%; tổng số thu BHXH, BHYT vượt 2,3%.

Không chỉ những chỉ tiêu đầu vào, trong năm 2019, BHXH các tỉnh, thành phố đều cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động (cấp sổ BHXH cho khoảng 15,6 triệu người); hoàn thành cấp thẻ BHYT cho khoảng 85,3 triệu người. Cùng với đó, đã giải quyết 117.174 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, nâng tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trong cả nước lên khoảng 3,1 triệu người.

Ngoài ra, còn giải quyết cho 840.302 người hưởng trợ cấp một lần; hơn 10 triệu lượt người hưởng các chế độ ngắn hạn; gần 900 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 20 nghìn người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề; bảo đảm kinh phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT cho hơn 186 triệu lượt người...; với tổng số chi các chế độ lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Ðiểm lại những số liệu có phần khô khan đó, chúng ta không chỉ thấy những kết quả đạt được, mà còn thấy rõ hơn những nỗ lực của toàn ngành BHXH trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao. Trên thực tế, mặc dù năm 2019 tình hình kinh tế - xã hội đất nước có những điều kiện thuận lợi, nhưng những khó khăn, thách thức đối với BHXH Việt Nam chưa phải là đã hết. Với một số lượng nhân lực hạn chế nhưng toàn ngành phải đảm đương khối lượng công việc rất lớn, trong đó nhiều công việc phát sinh, cấp bách.

Ðể thực hiện các nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất, BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai các nhiệm vụ được giao. Ðó là: Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT. Kịp thời giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tập trung rà soát, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ dữ liệu do cơ quan thuế chuyển sang; chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH để xử lý nghiêm theo quy định…

Chính vì vậy, mặc dù năm 2019 các cấp, các ngành đều thực hiện tinh giản biên chế; số người nghỉ việc hưởng BHXH một lần tăng cao (hơn 840 nghìn người) nhưng số lao động tham gia vẫn tăng gần 750 nghìn người so với thời điểm cuối năm 2018. Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, riêng năm 2019, toàn ngành đã vận động được gần 300 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tương đương với tổng số người tham gia trong 10 năm trước.

Ðể giải quyết được khối lượng công việc thu - chi, giải quyết chế độ rất lớn, với yêu cầu quản lý ngày càng cao, toàn ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều việc như: Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính từ 28 xuống còn 27 thủ tục; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH; liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đẩy mạnh phương thức giao dịch điện tử; đưa dịch vụ cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất vào thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia… Ðó cũng chính là những giải pháp hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng để BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội đất nước.