Mới có khoảng 24% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội

NDO -

NDĐT - Cả nước hiện mới có hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động. Con số này còn quá thấp so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, Việt Nam phải đạt được 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Thực tế, nhiều chính sách ưu việt của BHXH vẫn chưa được một bộ phận người lao động quan tâm…

Tọa đàm “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”.
Tọa đàm “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”.

Đây là nội dung từ chương trình tọa đàm “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 22-8.

Nhiều vướng mắc trong thực tế

BHXH là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6-2017, cả nước đã có 13,17 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 11,28 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 241.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 76,44 triệu người tham gia bảo hiểm y tế - đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 82,19% dân số.

Tính đến ngày 22-7, cả nước đã bàn giao 3,1 triệu sổ BHXH cho người lao động trên tổng số 12,5 triệu sổ BHXH phải bàn giao (không bao gồm lực lượng vũ trang), đạt khoảng 25%. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng, đây là một cố gắng rất lớn; nhưng với mục tiêu đến năm 2020, nước ta phải đạt được 50% lực lượng lao động tham gia BHXH mà Nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ mà Chính phủ đã đề ra, thời gian chỉ còn hơn hai năm, con số này còn khiêm tốn, đặt ra nhiều thách thức với ngành BHXH.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, nguyên nhân chính do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức diễn ra chậm. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện quy định BHXH theo quy định. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới, dù có tăng nhưng có một phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng lao động ít. Chưa kể, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người sử dụng lao động kém. Trong khi cơ chế kiểm soát, cưỡng chế còn nhiều bất cập, chưa nắm bắt được cụ thể và chính xác số người lao động tham gia BHXH bắt buộc…

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đây vừa là cơ hội để người lao động tham gia nhưng cũng là thách thức khó khăn đối với ngành BHXH. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, đánh giá, hiện nay, có một bộ phận người lao động vẫn chưa mặn mà với việc đóng BHXH do nhận thức, suy nghĩ khác nhau về lợi ích cũng như quyền lợi khi tham gia BHXH. Theo ông, nhiều người lao động cho rằng mức đóng hiện nay 22% là cao so với thu nhập, nhưng thực tế mức đó không phải là cao so với nhiều nước trên thế giới.

Có một thực tế với công nhân lao động, chỉ cần lương cao hơn 10.000 đồng là họ đã có thể chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Và khi ngừng việc, họ muốn thanh toán BHXH ngay chứ không muốn tiếp tục tham gia, đây cũng là một đặc điểm của lao động Việt Nam. Do chỉ nhìn cái lợi trước mắt, nên mới có chuyện gần 10 nghìn người kiến nghị Thủ tướng Chính phủ muốn thanh toán BHXH một lần. Ông Thọ cho biết, xét ở góc độ người làm công đoàn, bảo vệ quyền lợi của người công nhân, ông thấy xót xa cho câu chuyện này.

Ông Vũ Quang Thọ cũng nhận định, số lượng những người tham gia BHXH có tăng lên nhưng tăng không nhiều và không bền vững. Nhiều người đã tham gia BHXH rồi nhưng do trục trặc của nền kinh tế họ phải rút khỏi thị trường lao động lại muốn nhận BHXH một lần. Theo con số khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mỗi năm có khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn người ra khỏi hệ thống BHXH.

Cần những chính sách linh hoạt

Một trong những giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH được các chuyên gia đồng tình chính là việc đưa ra nhiều gói BHXH linh hoạt hơn, tạo thuận lợi để người lao động có thể lựa chọn. Trong việc xác định mức đóng, hoạch định chính sách thì đã có tính toán cụ thể để bảo đảm cân đối đóng - hưởng, bảo đảm nguyên tắc. Với BHXH tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn tùy theo mức thu nhập dùng làm căn cứ đóng. Hiện nay, người lao động có thể đóng linh hoạt theo thời gian, đóng một lần cho những năm về sau hay đóng gộp cho quãng thời gian còn thiếu… với nhiều mức cao thấp khác nhau. “Nhưng theo quan điểm cá nhân, nếu Nhà nước tạo được cú huých đủ mạnh để người dân tham gia BHXH nhiều hơn thì sẽ có nhiều người hưởng lợi hơn”, ông Đỗ Ngọc Thọ bày tỏ.

Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng khẳng định, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng đề án giao chỉ tiêu đối tượng cho địa phương, tăng cường trao đổi, đối thoại giữa cơ quan BHXH với người dân và doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để xác định số lượng người lao động trong doanh nghiệp có đóng thuế.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ doanh nghiệp sử dụng lao động thấy trách nhiệm pháp lý, cũng như để người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH cũng là một trong những giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Theo ông Vũ Quang Thọ, cần có nhiều cách tuyên truyền vận động hiệu quả hơn để người dân hiểu được những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH và tin tưởng tham gia. “BHXH là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài. Vì vậy, phải tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động hiểu được vấn đề này, vì bảo hiểm cho người lao động chính là bảo hiểm cho chính doanh nghiệp, chính mình. Phối hợp với chính quyền địa phương để thông tin rộng rãi tới nhân dân và người lao động, như vậy BHXH mới bao phủ đến các đối tượng cần thực hiện. Đồng thời phải làm tốt hơn công tác kiểm tra giám sát, không gây phiền hà cho người tham gia BHXH, lấy lại lòng tin của người dân”, ông Thọ nhấn mạnh.

Cùng với việc tuyên truyền, BHXH Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản hóa và hiện đại hóa quy trình thủ tục BHXH, không gây phiền hòa cho doanh nghiệp và người dân. “Doanh nghiệp, người dân khi tới làm việc với các cơ quan BHXH gặp những biểu hiện cản trở, gây phiền hà, từ chối tiếp nhận đều có thể yêu cầu bộ phận tiếp nhận đưa ra phiếu hướng dẫn hoặc phải có văn bản trả lời. Nếu còn bức xúc thì ở các bộ phận tiếp nhận thì đều có đường dây nóng để liên hệ trực tiếp, phản ánh với người có thẩm quyền giải quyết”, ông Đỗ Ngọc Thọ khẳng định.