Chính sách & Cuộc sống

Linh hoạt độ tuổi nghỉ hưu cho đối tượng lao động trực tiếp

Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Theo đó, thực hiện quy định tại khoản 5, Ðiều 169 của Bộ luật Lao động, giao Chính phủ xây dựng Nghị định nhằm quy định chi tiết lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động (NLÐ) trong thực hiện quy định của pháp luật lao động.

Theo đó, về cơ bản, việc điều chỉnh tuổi hưu cần có tầm nhìn dài hạn, lộ trình phù hợp, không tác động đến thị trường lao động và bảo đảm bình đẳng giới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, NLÐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn năm tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".Theo các chuyên gia lao động, công đoàn, Nghị định cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết thực hiện Ðiều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 đối với cả ba trường hợp: Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với NLÐ bình thường; tuổi nghỉ hưu thấp hơn đối với NLÐ bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với NLÐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt.

Là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLÐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị: Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như: dệt may, chế biến thủy sản, điện tử, giáo viên mầm non, diễn viên múa, xiếc. Lập luận về vấn đề nêu trên, đại diện tổ chức công đoàn cho rằng, giáo viên mầm non là một nghề mang tính đặc thù, đòi hỏi năng lực sư phạm riêng biệt. Giáo viên mầm non phải có khả năng múa, hát, đọc, kể chuyện diễn cảm, hiểu tâm lý từng đứa trẻ; công việc của họ chịu nhiều áp lực, do vừa phải bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa phải bảo đảm sức khỏe, tinh thần, an toàn cho trẻ (nhiều khi phải phản ứng thật nhanh trong những tình huống trẻ nghịch ngợm, sặc do ăn uống, ngã đập…) . Trong khi đó, số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non thường phải vượt quá quy định (họ thường phải làm từ 9 đến 10 giờ/ngày), do phải đến sớm đón trẻ và về muộn do phải trả hết trẻ, mà hầu như không được tính thêm lương. Với đặc thù đó, khi giáo viên mầm non từ 50 tuổi trở lên có cách biệt lớn về tuổi đối với trẻ và khả năng múa, hát, sức khỏe giảm, khiến cho việc phản ứng xử lý tình huống không được kịp thời, không bảo đảm chất lượng giáo dục và an toàn cho trẻ. Hơn nữa, mầm non là giai đoạn đặt nền tảng cho cả quá trình phát triển của trẻ sau này. Việc trẻ ở trường từ sáng đến chiều chỉ tiếp xúc với cô giáo, trong khi khả năng tự phục vụ, ứng phó với các tình huống chưa cao, càng phải có những yêu cầu cao hơn với giáo viên mầm non. Do vậy, việc giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non không chỉ giúp cho họ có quyền lợi hợp pháp, chính đáng, mà còn giúp cho việc trẻ hóa đội ngũ giáo viên mầm non nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tương lai của đất nước là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc xem xét, bổ sung một số đối tượng làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật: diễn viên múa, xiếc cần được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, do tính chất công việc đặc thù đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai, nhanh nhạy, sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp… và với những động tác khó rất dễ dẫn đến chấn thương. Trên thực tế, diễn viên múa có tuổi nghề rất ngắn. Do vậy, 35 tuổi được xem như đã hết tuổi nghề, chỉ một số người có thể tiếp tục làm biên đạo múa… Ðồng thời, các chuyên gia lao động, công đoàn cũng cho rằng, nên quy định theo hướng trao "quyền" cho NLÐ. Cụ thể, nếu NLÐ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn bảo đảm hoặc do đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLÐ trong điều kiện bình thường.

Khi xây dựng Nghị định, ban soạn thảo cũng cần chú ý về yếu tố an toàn vệ sinh lao động trong tính tuổi nghỉ hưu. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi nghỉ hưu là độ tuổi phải rút khỏi vị trí hoặc nghề nghiệp từ cuộc sống làm việc tích cực của một NLÐ. WHO cũng xác định việc "lão hóa tại nơi làm việc" và "những người lao động cao tuổi" là nói tới NLÐ trực tiếp từ 45 tuổi trở lên. Trong khi đó, đánh giá của các nhà khoa học về an toàn vệ sinh lao động cho thấy, điều kiện làm việc của NLÐ Việt Nam ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở một số ngành nghề: dệt may, chế biến thủy sản, ngành điện tử, giáo viên mầm non. Do vậy, Nghị định cần có những quy định mềm dẻo hơn về tuổi nghỉ hưu và khoảng cách nghỉ hưu giữa nam và nữ đối với đối tượng NLÐ trực tiếp, tùy theo thể trạng hoặc sự lựa chọn của họ.