Hướng tới một hệ thống an sinh xã hội toàn diện

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, công tác chăm lo chính sách xã hội ở nước ta đã có nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, hệ thống chính sách xã hội cần được cải cách đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân.

Lao động tại Công ty cổ phần Nam Tiệp, Nam Ðịnh (Ảnh minh họa: Thanh Lâm).
Lao động tại Công ty cổ phần Nam Tiệp, Nam Ðịnh (Ảnh minh họa: Thanh Lâm).

Chính sách xã hội: Nhiều kết quả tích cực

TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 15), công tác chăm lo chính sách xã hội ở nước ta có bước tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Nghị quyết tập trung vào hai nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Cụ thể, chúng ta hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững - đây cũng là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân.

Đây là thông tin ông Hiến chia sẻ tại hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển trên bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ lại ai phía sau”. Chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 29/6.

Cũng theo ông Hiến, những thành quả đạt được trong thời gian qua, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, điều này cũng chỉ ra một phần thành công của Nghị quyết 15.

Tuy nhiên, một số vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội vẫn còn hạn chế, chậm được cải thiện. Cụ thể như, chất lượng lao động và việc làm thấp, thị trường lao động chậm phát triển; giảm nghèo còn chưa bền vững, chênh lệnh mức sống giữa các vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn; phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp; phạm vi bao phủ và mức trợ giúp xã hội còn thấp; chất lượng và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh của nhân dân; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nhà ở cho người dân chưa được bảo đảm, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp; hệ thống quản lý còn bất cập, chưa hiện đại. 

TS Bùi Tôn Hiến nêu rõ, Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bẫy thu nhập trung bình, xu hướng già hóa dân số nhanh và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Thêm vào đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong xã hội mà các chính sách xã hội vẫn phải tiếp tục khắc phục và cải thiện. Vì vậy,  chính sách xã hội trong thời kỳ mới sẽ cần phải tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được. Đồng thời, cần có những tiếp cận mới, thay đổi một cách toàn diện và hướng tới những đột phá, ưu tiên.

Hướng tới một hệ thống an sinh xã hội toàn diện

Nhận định của nhóm chuyên gia André Gama và Nguyễn Hải Đạt từ Văn phòng ILO tại Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2012, nước ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Đó là sửa đổi các văn bản: Luật Việc làm (2013), Luật Bảo hiểm xã hội (2014) và Luật Bảo hiểm y tế (2014). Điều này đã giúp đưa hệ thống an sinh xã hội đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết 15.

An sinh xã hội ở Việt Nam có thể được coi gồm 5 nhóm chính: Trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Các phúc lợi an sinh xã hội có thể được cung cấp thông qua các khoản đóng góp bằng tiền mặt hoặc hiện vật và có thể được mở rộng để bao gồm một số dịch vụ như dịch vụ xã hội.
(Theo ILO)

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng hơn nữa nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội. Mục tiêu cuối cùng là để mọi công dân được bảo đảm an sinh xã hội trong suốt vòng đời. Những bước tiến này đã được thể hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội và Đề án đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội (theo Quyết định số 488/TTg/2017 của Thủ tướng Chính phủ), cũng như các kế hoạch hành động liên quan.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2021-2030 đã đặt ra các mục tiêu để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong giai đoạn này, các yếu tố khác như rủi ro toàn cầu, các vấn đề về môi trường và áp lực nhân khẩu học do tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động, có tác động mạnh mẽ đến mức sống của mọi người dân.

Con đường cải cách hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành hệ thống an sinh xã hội đa tầng thực sự. Hệ thống dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm đất nước tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia của ILO cũng khuyến nghị, để đạt được các mục tiêu, tuân thủ những tiêu chuẩn lao động quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực an sinh xã hội, chương trình cải cách an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính sách quan trọng.

Trước hết, cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng hiệu quả, tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các nhánh chính sách trong hệ thống an sinh xã hội ở nhiều cấp. 

Tiếp đó, tăng cường sự tập trung và phụ thuộc vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội. Đồng thời, khám phá mối liên kết và đồng bộ giữa các chính sách an sinh xã hội và các lĩnh vực chính sách khác có liên quan, bao gồm cả chính sách việc làm và chính sách kinh tế.