Hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện cho gần 270 nghìn người

NDO -

NDĐT- Trong sáu tháng đầu năm nay, gần 270 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được hỗ trợ 28,1 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Hỗ trợ người dân diện chính sách tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Về chính sách hỗ trợ với người dân thuộc diện chính sách tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho hay, năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 276.680 người, với số tiền đã được ngân sách hỗ trợ là 27,6 tỷ đồng. Còn trong sáu tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 269.153 người với số tiền được hỗ trợ là 28,1 tỷ đồng.

Chương trình cũng ghi nhận 15 địa phương có số người tham gia cao như Sóc Trăng, Quảng Trị..

Đại diện Ban Thu, BHXH Việt Nam, cũng cho biết thêm, việc hỗ trợ này cũng còn một số vướng mắc. Thí dụ, ngân sách hỗ trợ đóng đối với người tham gia có hộ khẩu tại tỉnh này nhưng tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh khác. Do đó, Bộ Tài chính đã có Công văn 11827/BTC-NSNN ngày 28-9-2018 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện chuyển đầy đủ số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho cơ quan BHXH theo đúng quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

Đến nay, các vướng mắc như vậy đã được tháo gỡ, nhưng một số địa phương vẫn còn đang lúng túng trong thực hiện. Chúng tôi đang theo dõi để hỗ trợ và có ý kiến với Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng nêu trên.

Được biết, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 1-1-2018, Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể là, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu.

Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

Sẽ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội thời gian tới

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2018 cả nước có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần. Trong cả giai đoạn 2014- 2018 có hơn 2,7 triệu người hưởng BHXH một lần, ảnh hưởng đến kết quả phát triển đối tượng.

Chia sẻ về vấn đề, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, trong giai đoạn vừa qua, khi thực hiện chính sách BHXH, xu hướng hưởng BHXH một lần rất cao, đi ngược mục tiêu về phát triển mở rộng độ bao phủ. Hằng năm, cơ quan BHXH đều nỗ lực gia tăng diện bao phủ. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động lại nhận BHXH một lần, như vậy họ sẽ mất đi cơ hội hưởng chính sách dài hạn là chính sách lương hưu. Nhìn vào số liệu hưởng BHXH một lần năm 2018, có thể thấy, có gần 670 nghìn người hưởng, tỷ lệ cơ cấu rơi vào nam giới 46% và nữ giới 54%.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, phân tích về các đối tượng thụ hưởng này. Họ thường tập trung chủ yếu vào nhóm người lao động có thời gian tham gia BHXH từ 1-3 năm (chiếm 40,6%). Tiếp theo là nhóm 3-5 năm (22,4%), từ 5-10 năm (20,64%), còn lại là các nhóm đối tượng khác. Có thể thấy, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động cho rằng việc họ không còn cơ hội quay trở lại quan hệ lao động để tiếp tục tham gia BHXH tiếp, hoặc có một bộ phận người lao động cho rằng họ sẽ trở về quê, làm ruộng và không có điều kiện làm việc thì họ cần thêm nguồn thu nhập hay có vốn ban đầu để kinh doanh chẳng hạn. Nếu chỉ có thời gian tham gia BHXH 1 đến 5 năm, số tiền hưởng trợ cấp một lần thì cũng không đáng kể.

Ông Nam đánh giá, câu chuyện ở đây là tâm lý người lao động. Khi ngừng việc, họ muốn xem quyền lợi của mình trong thời gian vừa qua là gì để thụ hưởng toàn bộ. Ngoài ra, một số người lao động có ý kiến rằng, để được hưởng lương hưu, họ phải tiếp tục tham gia BHXH với thời gian cũng tương đối dài, chờ đợi khá lâu.

Về góc độ các cơ các quan quản lý nhà nước và BHXH, cần xác định đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động, hướng họ tới việc tích lũy, bảo lưu thời gian đóng BHXH, hướng tới quyền lợi tối ưu nhất của người tham gia BHXH là hưởng lương hưu lâu dài. Ngoài ra, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (gọi tắt là Nghị quyết 28), đã chỉ rõ giải pháp cụ thể. Đó là, tiến tới giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, có lộ trình thu hẹp thời gian đóng từ 20 năm còn 15, 10 năm chẳng hạn để người lao động nhìn thấy tương lai gần hơn.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để những người lao động càng tích lũy nhiều thời gian đóng BHXH, quyền lợi càng được cụ thể hóa, tối ưu nhất. Khi đó, họ sẽ nhìn thấy lợi ích cụ thể. Để làm được điều đó, chúng ta cần hoàn thiện, sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật.

Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8-10-2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong năm 2019-2020 sẽ đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật BHXH năm 2014. Dự kiến, luật này sẽ được trình xem xét trong giai đoạn năm 2021-2022.