Giúp người cận nghèo, người khó khăn tham gia bảo hiểm y tế

NDO -

Trong thời gian từ 2016 đến 2020, ngành bảo hiểm xã hội đã đóng góp hơn tám tỷ đồng và mua 3.300 thẻ BHYT hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách. 

Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh (Ảnh: VSS).
Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh (Ảnh: VSS).

Trao tấm thẻ bảo hiểm y tế tới người cận nghèo, người khó khăn 

Trong công tác giảm nghèo bền vững, việc bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội... là giải pháp quan trọng. Do vậy, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp Ban Chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương, tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch giảm nghèo.

Cụ thể, các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động, đóng góp theo khả năng của đơn vị, hoặc tổ chức chương trình quyên góp, vận động chính quyền, đoàn thể tại địa phương ủng hộ phần kinh phí chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ để mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng chính sách. Đó là người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; người thuộc diện chính sách xã hội. Đồng thời, tổ chức các chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo tiếp tục tham gia BHYT, BHXH tự nguyện...

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) toàn ngành BHXH Việt Nam đã đóng góp hơn 8 tỷ đồng và mua 3.300 thẻ BHYT hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách. 

Năm 2019, sau khi ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BHXH ngày 5-6-2019 về hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo, BHXH Việt Nam đã huy động sự đóng góp của công chức, viên chức trong toàn hệ thống và nhiều cá nhân, tổ chức trao tặng 2.400 thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước, tương đương 1,8 tỷ đồng

Trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình là 165 người; đối tượng thuộc BHYT hộ gia đình là 1.869 người; đối tượng học sinh, sinh viên là 504 người.

11 tỉnh, thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tặng 11.865 thẻ BHYT cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên và người có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương như: Kon Tum, Lâm Đồng, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Tháp, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh…

Sự chung tay của toàn ngành BHXH trong hoạt động này không chỉ góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT, mà còn giúp những người khó khăn có điều kiện tham gia BHYT, được quỹ BHYT bảo vệ mỗi khi họ ốm đau, bệnh tật. Sau đó, tạo cơ hội cho họ trở lại cuộc sống lao động, học tập, tiếp tục nỗ lực thoát nghèo.

Ưu tiên các hoạt động xã hội, giảm nghèo tại địa phương

Không những vậy, công chức, viên chức toàn ngành BHXH Việt Nam luôn tích cực tham gia và ủng hộ bằng hiện vật, xây nhà tặng người nghèo; trao quà tặng các gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng học bổng cho các học sinh nghèo, hỗ trợ mua các vật dụng cho các xã nghèo; xây dựng đường; mua cây giống, con giống tặng các hộ nghèo… 

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, ngành BHXH đã huy động nguồn lực, đóng góp theo khả năng điều kiện, thu nhập của công chức, viên chức để giúp đỡ các địa bàn nghèo, các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo, người nghèo…. 

Tổng kinh phí tiền mặt đã đạt hơn 41 tỷ đồng. Trong đó, khối cơ quan BHXH Việt Nam đóng góp 9,52 tỷ đồng. BHXH các tỉnh, thành phố huy động hơn 31,48 tỷ đồng. Các tỉnh tiêu biểu trong phong trào này là  Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Giang, Tuyên Quang, An Giang, Đồng Nai… 

Ngành BHXH trực tiếp giúp đỡ xây nhà mới, hoặc phối hợp cùng UBND các địa phương xây dựng, đóng góp kinh phí xây dựng nhà thay thế nhà dột nát cho các hộ nghèo 31 căn nhà, tương đương 3,3 tỷ đồng. Nổi bật như các địa phương: Quảng Bình, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bình Định, Hải Phòng… 

Bên cạnh đó, công chức, viên chức của ngành BHXH hỗ trợ, giúp đỡ bằng hiện vật cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; đăng ký và triển khai việc “đỡ đầu” giúp các xã nghèo thoát nghèo tại địa phương. 

Thí dụ, BHXH tỉnh Nghệ An từ năm 2016 đến năm 2020 đã trao tiền hỗ trợ xây dựng bản Na Lượng 1 (xã Hữu Kiệm) trở thành bản điểm trong phong trào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và tặng hiện vật cho một số trường học trên địa bàn khó khăn.

Cùng với đó, BHXH tỉnh Bình Định thực hiện công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng với số tiền 800.000đồng/tháng mỗi Mẹ, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 500.000 đồng/quý.

BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, giúp đỡ 15 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo.

BHXH tỉnh Cà Mau hỗ trợ cho một số xã nghèo bồn chứa nước, tặng cho các cháu học sinh nghèo học bổng, xe đạp, sách giáo khoa, vở và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ giữ rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ…

Nỗ lực chung tay của ngành BHXH Việt Nam trong công tác giảm nghèo đã góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT. Qua đó, mọi người dân, người lao động, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước.