Ðể chính sách bảo hiểm y tế đồng hành với sức khỏe học sinh, sinh viên

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Làm thế nào để chính sách BHYT thật sự đồng hành, bảo vệ cho sức khỏe của HSSV - Phó Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) LÊ MẠNH HÙNG (trong ảnh) đã trao đổi cùng Báo Nhân Dân về vấn đề này.

Ðể chính sách bảo hiểm y tế đồng hành với sức khỏe học sinh, sinh viên

Phóng viên: Ðồng chí đánh giá thế nào về sự phối hợp của ngành giáo dục với BHXH Việt Nam trong việc phát triển đối tượng BHYT dành cho đối tượng HSSV thời gian gần đây?

Ðồng chí Lê Mạnh Hùng:

Việc thực hiện Luật BHYT đối với HSSV là chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em HSSV. Theo đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã phối hợp rất chặt chẽ với BHXH Việt Nam, Bộ Y tế để tổ chức, triển khai thực hiện Luật BHYT trong cuộc sống, nhất là trong trường học.

Với khoảng 17 triệu HSSV tham gia BHYT trong năm học 2018-2019, đạt 94,2%, cho thấy, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm HSSV rất cao. Ðiều đó minh chứng cho nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục trong việc phối hợp, kết hợp với ngành y tế, cũng như ngành BHXH trong công tác truyền thông, vận động, triển khai thực hiện BHYT, từ Trung ương tới địa phương thì sự phối hợp giữa ba ngành rất khăng khít, rất tốt, thể hiện trong việc triển khai các chương trình phối hợp, văn bản hướng dẫn, công tác y tế trường học nhằm phòng chống các bệnh dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho giáo viên, HSSV, hướng dẫn việc trích trả BHYT tại cơ sở, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nhà trường, học sinh, phụ huynh trong việc tham gia BHXH và bảo đảm quyền lợi của HSSV.

Ngành giáo dục cũng xác định công tác y tế trường học, BHYT HSSV là rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho HSSV, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan, kế hoạch liên ngành đã được Bộ GD và ÐT chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Ðảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV.

Phóng viên: Theo quy định, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 6% chưa tham gia và các cơ sở giáo dục cũng chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT. Liệu có phải các cơ sở giáo dục chưa tuyên truyền tích cực và giải thích cụ thể với các học sinh, sinh viên về quy định này hay không?

Ðồng chí Lê Mạnh Hùng:

Tôi xin khẳng định, công tác tuyên truyền về các quy định trong Luật BHYT và các chính sách về BHYT trong thời gian qua đã được các cơ sở giáo dục triển khai rất tốt, rất tích cực với nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà giáo, nhân viên và HSSV trong việc tham gia BHYT. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận chưa đóng, thường rơi vào trường hợp của các em sinh viên. Nguyên nhân khách quan là do các em thuộc ngành giáo dục quản lý thường sống xa gia đình, mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường lại không được thường xuyên và liên tục như là đối tượng học sinh; việc gia đình chuyển tiền cho các cháu thường thông qua chuyển khoản và nhà trường không thể kiểm soát được.

Thực tế, các em sinh viên thấy rằng, ở độ tuổi của mình ít xảy ra bệnh, bởi vậy vẫn còn chần chừ, chưa đóng BHYT. Thế nhưng, các em chưa hiểu rằng, việc đóng BHYT là bắt buộc của mỗi công dân, nhất là công dân sinh viên. Chính vì thế, Bộ GD và ÐT đã thường xuyên thông qua hướng dẫn nghiệp vụ năm học đã nhắc nhở, đưa vào những mục để làm sao chỉ đạo nhà trường, các cơ sở đào tạo tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho các em thấy ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện BHYT.

Tuy nhiên, nói là phải có chế tài, nhưng ngành giáo dục đang nỗ lực áp dụng biện pháp tuyên truyền nhận thức, vận động, nhắc nhở, trừ điểm rèn luyện đối với sinh viên không tham gia BHYT nhằm không gây áp lực cho các em trong quá trình học tập.

Ðây cũng là những biện pháp để răn đe, nhắc nhở các em. Qua đây, tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ, bởi các em vẫn đang ở độ tuổi của công dân, mới bước vào cuộc sống cho nên nhận thức chưa được đầy đủ. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục liên kết, phối hợp các nhà trường và các ngành liên quan để giúp các em thực hiện Luật BHYT một cách tự nguyện.

Phóng viên: Cũng có trường hợp, một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học, mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV. Ðồng chí có thể chia sẻ giải pháp khắc phục tình trạng này?

Ðồng chí Lê Mạnh Hùng:

Bộ GD và ÐT đã chỉ đạo thường xuyên về công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về việc tham gia BHYT; xác định rõ vai trò trách nhiệm của ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác y tế trường học đối với HSSV. Tuy nhiên, cũng có một số ít cơ sở giáo dục chưa chú trọng công tác tuyên truyền nhận thức, chỉ liệt kê số tiền đóng đầu năm mà thiếu đi việc tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về BHYT, dẫn đến tỷ lệ HSSV năm thứ hai, thứ ba và thứ tư tham gia BHYT còn chưa đầy đủ, với tỷ lệ khoảng 6% chưa tham gia.

Mặc dù vậy, theo quy chế về công tác sinh viên đối với chương trình hệ đào tạo đại học chính quy thì đã quy định trách nhiệm rất rõ việc tham gia BHYT đối với sinh viên và các hình thức xử lý đối với các trường hợp không tham gia đúng quy định. Do vậy để khắc phục tình trạng không tham gia BHYT đầy đủ của HSSV, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của nhà trường, cơ sở đào tạo.

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhận thức, xác định rõ vai trò của người đứng đầu, giáo viên chủ nhiệm và nhân viên y tế trường học.

Thứ hai, nhà trường có trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho HSSV, đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền làm sao cho HSSV hiểu rõ việc tham gia BHYT là quyền và nghĩa vụ.

Thứ ba, xác định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo và nhà trường trong việc phối hợp thực hiện pháp luật y tế về quyền lợi khám, chữa bệnh và tham gia chăm sóc sức khỏe học đường; xây dựng kế hoạch phát triển giữa y tế nhà trường với y tế cơ sở; việc thực hiện chi trả phần BHYT để lại cơ sở vào mua sắm trang thiết bị phục vụ y tế cơ sở; rồi vận động các nguồn lực xã hội, các nhà tài trợ thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam để bảo đảm việc tham gia BHYT của các HSSV tham gia được đầy đủ.

Phóng viên: Theo đồng chí chúng ta cần làm gì để triển khai tốt hơn nữa chính sách BHYT với HSSV, nhất là đối tượng sinh viên?

Ðồng chí Lê Mạnh Hùng:

Ðể thực hiện tốt công tác BHYT HSSV trong thời gian tới, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% số HSSV tham gia BHYT theo quy định tại Luật BHYT và Quyết định số 1167/QÐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, Bộ GD và ÐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở GD và ÐT, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho HSSV và cha mẹ HSSV về chính sách, pháp luật BHYT, về lợi ích và trách nhiệm khi tham gia BHYT… Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiến hành lập danh sách HSSV và phối hợp BHXH tổ chức thu BHYT kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi thụ hưởng chính sách BHYT cho HSSV được liên tục.

Thứ hai, đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT dành cho công tác y tế trường học theo Nghị định 146/2018/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn các biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và Thông tư số 10/2016/TT-BGDÐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó có quy định về trách nhiệm đóng học phí, BHYT của HSSV.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với sinh viên, nhất là đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như được chăm lo sức khỏe thông qua việc tham gia BHYT. Chỉ đạo các sở GD và ÐT phối hợp BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1167/QÐ-TTg để giảm bớt "gánh nặng" kinh phí cho các gia đình, tạo điều kiện cho mọi HSSV đều có thể tham gia BHYT.

Cuối cùng, xử lý nghiêm các đơn vị thuộc quyền quản lý, nhất là người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHYT, cũng như công tác y tế trường học. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT HSSV.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

NGUYÊN KHANG (thực hiện)