Để mọi người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận bảo hiểm xã hội

Một trong những mục tiêu tổng quát về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được đề cập đến tại Nghị quyết số 28, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XII ký ngày 23-5-2018 là “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Làm thế nào để thực hiện được mục tiêu “BHXH toàn dân” - Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) TRẦN HẢI NAM (trong ảnh) có những trao đổi về vấn đề này với Phóng viên Báo Nhân Dân.
Để mọi người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận bảo hiểm xã hội

Phóng viên (PV): Nghị quyết số 28 đặt ra mục tiêu “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu này?

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam:

Khái niệm “BHXH toàn dân” trước hết cần được hiểu không phải là toàn dân tham gia BHXH, mà “BHXH toàn dân” là mọi người dân đều có quyền và cơ hội được tiếp cận chính sách BHXH khi bước vào độ tuổi lao động; đều được hưởng chính sách về hưu trí khi tuổi già.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Trung ương cũng đã đề ra quan điểm chỉ đạo đó là: “Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng,… hướng tới bao phủ toàn dân” và được cụ thể hóa tại nội dung cải cách chính sách. Theo đó, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng với việc phát triển và hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH cơ bản dựa trên đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động; thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội thông qua việc thực hiện chính sách trợ cấp cho người cao tuổi từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với những người không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng); và thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

PV: Một trong những điểm quan trọng trong cải cách chính sách BHXH được đề cập trong Nghị quyết số 28 là chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Một trong những mục tiêu là, đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH, nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% LLLĐ trong độ tuổi. Theo đồng chí, việc thực hiện mục tiêu nêu trên có gì khó khăn và chúng ta cần làm như thế nào để đạt được con số này?

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam: Việc Trung ương đưa ra các chỉ tiêu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung, trong đó có đối tượng thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện nói riêng, thể hiện quan điểm rất rõ ràng trong việc cần phải đẩy mạnh mở rộng phạm vi bao phủ của chính sách BHXH thời gian tới, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Nhìn lại con số tham gia BHXH tự nguyện qua 10 năm triển khai thực hiện (2008- 2018), tính đến 31-12-2018, cả nước mới có 270.779 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 0,55% LLLĐ trong độ tuổi. Như vậy, để đạt mục tiêu 1% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2021 và 2,5% vào năm 2025 là một nhiệm vụ không hề đơn giản, cần phải thể hiện quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với công tác này.

Ngay sau khi có Nghị quyết T.Ư 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8-10-2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách BHXH; cùng với đó là Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Theo đó giai đoạn 2019-2020 giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ thực tế địa phương mình để tự xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, giao cho các địa phương triển khai thực hiện,… Từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương.

Cùng với chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả, ước tính đến hết quý III năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên hơn 450 nghìn người, chiếm khoảng 0,9% so với LLLĐ trong độ tuổi. Như vậy, mục tiêu 1% vào năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được.

PV: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện với người tham gia?

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam: Một trong những lợi ích quan trọng nhất của chính sách BHXH tự nguyện là đem lại cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già.

Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp, thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây thì có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói chung, có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp điều kiện tài chính của mình với mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện tại là 700 nghìn đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng; người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng cũng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm, hoặc đóng một lần cho nhiều năm. Thứ hai, ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia BHXH của người lao động, thì mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ. Thứ ba, từ ngày 1-1-2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; cụ thể với ba mức: hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Đồng thời, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

PV: Chính sách BHXH tự nguyện đã được triển khai hơn 10 năm. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã xuất hiện nhiều bất cập, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn rất hạn chế. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân và cần những giải pháp gì để đẩy mạnh chính sách này trong thời gian tới?

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam: Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù rất có lợi cho người tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn một số khó khăn, hạn chế: Thứ nhất, xuất phát từ đối tượng của chính sách chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động, người nông dân, lao động tự do,... họ thường có tính chất công việc không ổn định và mặt bằng thu nhập chung là thấp; do đó, việc trích nguồn thu nhập để tham gia BHXH gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng đang phải lo trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt trước mắt, cho nên việc tiết kiệm để lo cho tương lai chưa được quan tâm; chính sách hỗ trợ tiền đóng đã được triển khai từ năm 2018, nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thật sự tạo động lực để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Thứ hai, đối với những người có khả năng tham gia thì việc nắm bắt, tiếp cận các đối tượng để thông tin về chính sách, vận động người lao động tham gia còn nhiều hạn chế; người dân vẫn còn lo ngại về các thủ tục hành chính, còn chưa biết nếu tham gia thì đăng ký ở đâu và quy trình thủ tục thế nào; các phương thức thu nộp BHXH hiện vẫn còn chưa đa dạng và thuận lợi đối với người dân. Và thực tế, chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, đây là những chính sách dài hạn. Ví dụ, để được hưởng lương hưu thì ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH - đây chính là rào cản để người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện…

Chính vì thế, cần có những định hướng và giải pháp trong thời gian tới. Cần thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập và là cơ sở cho việc tham gia BHXH. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đa dạng các phương thức thu nộp BHXH; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tới các địa phương. Và cuối cùng cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu. Đồng thời, nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!