Đặt mục tiêu 800 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

NDO -

NDĐT- Thời gian tới, thu hút thêm ít nhất 300 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia loại hình bảo hiểm này lên ít nhất 800 nghìn.

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Lạng Sơn (Ảnh: Báo Lạng Sơn).
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Lạng Sơn (Ảnh: Báo Lạng Sơn).

Năm 2020, ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Trong năm nay, tăng thêm ít nhất 300 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia loại hình bảo hiểm này đạt ít nhất 800 nghìn.

Trước đó, năm 2019 cũng ghi nhận sự phát triển khả quan trong chính sách BHXH tự nguyện, khi thu hút thêm 280 nghìn người tham gia. Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 551 nghìn, chiếm 1,12% lực lượng lao động trong độ tuổi. Qua đó, giúp về đích trước hai năm trong chỉ tiêu được giao của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Kết quả tăng trưởng của BHXH tự nguyện trong năm 2019 được đánh giá bằng cả một thập kỷ qua. Chất lượng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, khi độ tuổi trung bình tham gia là 36 tuổi, thay vì 50 tuổi như trước đây.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung cho kế hoạch sửa Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2021, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hành, phù hợp với Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua.

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), quá trình tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được tiến hành. Tiếp đó, việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật này sẽ trình Quốc hội vào tháng 12 năm 2020, và dự kiến thông qua vào tháng 5 năm 2021. Tiếp đó, Ban soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và trình Quốc hội vào năm 2022.