Còn nhiều thách thức trong mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế

Trong những năm gần đây, diện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) được mở rộng khá nhanh, nhất là từ khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phát triển đối tượng tham gia còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng là những hạn chế nhất định trong lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đác Glong (Đác Nông) khám, chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT. Ảnh: Nguyễn Đăng
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đác Glong (Đác Nông) khám, chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT. Ảnh: Nguyễn Đăng

Còn nhiều thách thức...

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, trong những năm gần đây, diện bao phủ BHYT được mở rộng, tỷ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh. Năm 2012, cả nước có 58,97 triệu người tham gia, đến năm 2017 đã đạt hơn 79,95 triệu người tham gia, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 85,6% dân số (tăng hơn 35,6% so với năm 2012) và năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 87,62% dân số, vượt mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 BHYT bao phủ 85% dân số.

Theo đánh giá của các chuyên gia, diện bao phủ BHYT tăng nhanh do Luật BHYT quan tâm nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT, như: người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, thân nhân liệt sĩ, người có công. Cùng với đó, hệ thống chính sách BHYT được thiết kế dựa trên sự bắt buộc và hỗ trợ của nhà nước, tập trung chủ yếu đối tượng lao động việc làm chính thức (có quan hệ lao động) và lao động yếu thế. Do đó, vẫn còn một khoảng trống lớn diện bao phủ là lao động khu vực phi chính thức (khoảng 14% dân số chưa tham gia BHYT), chủ yếu là đối tượng tự đóng góp đang sinh sống ở khu vực nông thôn, làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, người buôn bán nhỏ, lao động tự do, giúp việc gia đình tại các khu đô thị; còn một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp so với mức bình quân chung của cả nước.

Ðáng chú ý, nguồn tài chính thực hiện BHYT hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Theo thống kê, ngân sách hiện đóng và hỗ trợ cho khoảng hơn 60% số người tham gia BHYT, số người tự đóng BHYT chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng thu. Ðây chính là thách thức lớn đối với việc bảo đảm tính bền vững của nguồn tài chính trong thực hiện chính sách BHYT. Nhất là, khi tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp, kể cả ở những nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia, như: Nhóm lao động chính thức, nhóm cận nghèo dù Nhà nước đã tăng đáng kể mức trợ cấp mua BHYT nhưng vẫn còn khoảng 11% số người chưa tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiều người dân thuộc nhóm nông - lâm - ngư nghiệp có thu nhập trung bình vẫn chưa được công nhận về mức thu nhập để đủ tiêu chuẩn tham gia BHYT.

Cần những thay đổi về chính sách

Tại hội thảo BHYT toàn dân tại Việt Nam do Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, để tăng diện bao phủ BHYT, hướng tới sự bền vững, Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi các quy định bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, nhất là cơ chế kiểm soát chi khám, chữa bệnh (KCB) đối với cơ sở y tế, chính sách thông tuyến, chi phí KCB đối với người tham gia 5 năm liên tục; thiết kế Luật BHYT có thêm lựa chọn cho người tham gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo đảm công bằng trách nhiệm đóng góp và thụ hưởng, giảm sự chênh lệch quyền lợi hiện nay như kinh nghiệm một số nước.

Giảng viên Nguyễn Thành Vinh (Khoa Bảo hiểm, Trường ÐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về quyền lợi và cách sử dụng BHYT; mở rộng đối tượng tham gia thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và BHYT gắn với chi phí hợp lý, hiệu quả. Trong quá trình phát triển BHYT bền vững cần cân đối được giữa hai mục tiêu là khả năng bảo vệ người tham gia BHYT trước các rủi ro của bệnh tật và đói nghèo đồng thời duy trì sự bền vững, ổn định của quỹ BHYT.

Nhận định về việc nỗ lực đạt mục tiêu 90% dân số có thẻ BHYT đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Trịnh Chi Mai (Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng) cho rằng, cần tăng tính hấp dẫn của BHYT, kết hợp những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư nguồn lực, vật lực cho công tác tuyên truyền; xác định rõ đối tượng tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm; xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. Với nhóm người lao động trong doanh nghiệp, cần thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm; đồng thời xây dựng cơ chế thu đóng BHYT về thời gian (chu kỳ đóng), hình thức thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp... Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia là yếu tố quan trọng thu hút người dân tham gia BHYT; từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần xem xét cấp miễn phí thẻ BHYT đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện do hai chính sách trùng đối tượng tham gia, cùng do cơ quan BHXH quản lý. Thực hiện được vấn đề này sẽ tạo cơ chế khuyến khích, làm tăng nhanh diện bao phủ của cả BHXH và BHYT, từng bước thu hẹp khoảng trống diện bao phủ đối với lao động phi chính thức, tăng cường kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, Luật BHYT sửa đổi cũng có chế tài nghiêm minh với những trường hợp không tham gia BHYT bởi dù Luật BHYT năm 2015 quy định BHYT là hình thức bắt buộc đối với các đối tượng tham gia nhưng chưa quy định chế tài cụ thể đối với người không tham gia BHYT theo từng nhóm
đối tượng.