Còn nhiều băn khoăn về mở rộng khung giờ làm thêm

NDO -

NDĐT - Sáng 2-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 15. Mở rộng khung giờ làm thêm và tăng độ tuổi nghỉ hưu là những vấn đề các đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Còn nhiều băn khoăn về mở rộng khung giờ làm thêm

Trình bày các nội dung lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Bùi Sỹ Lợi cho biết, đến thời điểm này, dự án Bộ luật đã cơ bản thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, dự án Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn, điều kiện lao động phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và an sinh xã hội đối với người không có quan hệ lao động tại các quy định về đối tượng áp dụng.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho biết, mặc dù tại Phiên họp thứ 36 và Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tuy nhiên Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình để Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất hai phương án xin ý kiến Quốc hội.

Phương án 1, quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng. Bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ hơn 200 giờ đến 300 giờ như quy định trong dự thảo để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ.

Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ. Phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ hơn 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động, bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi, trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm (tăng 100 giờ so quy định hiện hành). Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, hiện nay, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất, giúp giảm sức lao động thì người lao động càng có điều kiện làm thêm giờ. Đại biểu cho rằng, việc tăng giờ làm thêm không chỉ là nguyện vọng của chủ sử dụng lao động mà còn là nhu cầu của người lao động do họ muốn tăng thu nhập. Ông Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, quy định thời gian làm việc 48 giờ/tuần hay giảm xuống còn 40 giờ/tuần nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Đại biểu Trương Anh Tuấn cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người lao động nói rằng, đối với người lao động “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Nếu nghỉ làm là nghỉ ăn, đặc biệt, đối với các ngành nghề trả lương theo sản phẩm hoặc chấm công theo giờ lao động. Do vậy, đừng để quá lạm dụng làm thêm nhưng bớt giờ làm đi trong thời điểm này chưa phù hợp lắm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) lại cho rằng, việc cán bộ, công chức, viên chức làm việc 40 giờ/tuần trong khi người lao động thông thường vẫn làm việc 48 giờ/tuần là không công bằng. Do vậy cần nghiên cứu hạ giờ làm việc của người lao động xuống còn 44 giờ/tuần để họ có thêm một buổi chiều thứ bảy nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị, việc tăng giờ làm thêm chỉ trong tình huống nhất định, một số đối tượng nhất định. Nếu vấn đề này đưa vào Luật phải có các điều khoản chặt chẽ buộc người sử dụng lao động phải trả lương xứng đáng với việc làm thêm giờ cho người lao động.

Đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, trước mắt giữ nguyên 300 giờ làm việc; đồng thời, tính toán phương án trả lương lũy tiến để người sử dụng lao động cân nhắc khi đề nghị tăng giờ làm thêm.

Một số đại biểu đề nghị, quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành do giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Về tuổi nghỉ hưu, một số thành viên Ủy ban đồng tình với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhưng lưu ý, đây là vấn đề phức tạp; do đó, cần làm tốt công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ về quyền và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động.