Lăng kính an sinh

Cơ sở để đấu tranh phòng chống tội phạm bảo hiểm xã hội

Bộ luật Hình sự (BLHS) được Quốc hội (QH) thông qua năm 2015 đã bổ sung ba tội danh liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp tại Điều 214 (tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp), Điều 215 (tội gian lận BHYT) và Điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động).

Việc bổ sung các quy định này được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, điển hình là hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vốn gây nhiều bức xúc đối với xã hội trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, kể từ khi BLHS có hiệu lực thi hành đến nay, dù tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH diễn ra khá phức tạp tại tất cả các địa phương nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi này bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối tháng 7-2019, trên toàn quốc vẫn còn hơn 55 nghìn đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn sáu nghìn tỷ đồng. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của hàng trăm nghìn người lao động.

Mặc dù số nợ cũng như tỷ lệ nợ đã giảm hơn so với trước, nhưng đây mới là kết quả từ sự nỗ lực của ngành BHXH và các cấp, các ngành hữu quan trong công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành đóng BHXH cũng như việc xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong bối cảnh biện pháp khởi kiện do tổ chức Công đoàn thực hiện còn gặp vướng mắc, khó triển khai, thì đối với những đơn vị cố tình chây ỳ, tác dụng răn đe của các chế tài hành chính là khá hạn chế. Bởi vậy, BHXH nhiều địa phương đã áp dụng BLHS, chuyển sang cơ quan điều tra nhiều hồ sơ để tiến hành khởi tố theo quy định.

Nhưng do BLHS vẫn còn nhiều quy định mang tính định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau; một số tình tiết và hành vi vi phạm chưa được hướng dẫn cụ thể… cho nên việc xử lý hình sự đối với hành vi này vẫn chưa có hiệu lực trên thực tế. Vì vậy, nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn “vô tư” chây ỳ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Để giải quyết thực trạng nêu trên, ngày 15-8 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-9 tới). Tại Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán đã hướng dẫn rõ một số thuật ngữ, trong đó có những thuật ngữ liên quan vấn đề này như: Trốn đóng bảo hiểm; Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;… Bên cạnh đó, Nghị quyết còn hướng dẫn cụ thể về một số tình tiết định khung hình phạt; về truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý hành vi trốn đóng trước năm 2018 cũng như xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH… Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm của cơ quan BHXH, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong việc kiến nghị khởi tố hoặc thông báo đến cơ quan tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự…

Những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể là cơ sở để chúng ta tin rằng các quy định của BLHS sẽ sớm đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm BHXH nói chung, ngăn ngừa hành vi trốn tránh, nợ đọng BHXH, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.