Chung tay vì an sinh

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là những cột trụ quan trọng của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Chính vì thế, việc thực hiện hai chính sách này nói chung, chính sách BHYT nói riêng ở nước ta trong nhiều năm qua được xác định là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Điểm lại tiến trình thực hiện chính sách trong gần 30 năm qua, nhất là từ khi Luật BHYT được ban hành (năm 2008) đến nay, chúng ta thấy rất rõ những nỗ lực đó, điển hình là việc thực hiện chính sách BHYT đã không còn được xem là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW (năm 2012) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020; Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới..., cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật BHYT theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, thì việc thực hiện chính sách đã có những chuyển biến tích cực.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH các cấp với các ngành hữu quan, các tổ chức, đoàn thể như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... trong công tác tuyên truyền, tổ chức vận động quần chúng, hội viên tham gia BHYT được đẩy mạnh. Từ đó, nhận thức của xã hội về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong tham gia BHYT cũng như ý nghĩa của chính sách BHYT đối với công tác chăm sóc sức khỏe, sự phát triển và ổn định chính trị - xã hội… ngày càng đầy đủ hơn. Đây chính là nền tảng quan trọng để số người tham gia BHYT trong cả nước không ngừng gia tăng và đến nay đạt khoảng 84,5 triệu người, tương đương với tỷ lệ bao phủ 89% số dân, gấp hai lần tỷ lệ đạt được cách đây 10 năm. Tại nhiều địa phương, với sự quan tâm của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, tỷ lệ người có thẻ BHYT đã vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Khi đề cập những kết quả tích cực, không thể không nhắc đến những “lợi ích” mà người dân đã nhận được từ chính sách BHYT. Việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp người có thẻ BHYT được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ, kỹ thuật y tế tiên tiến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT đều được thụ hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh theo quy định với chất lượng ngày càng cao. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 150 triệu lượt người được thụ hưởng quyền lợi BHYT; nhiều người bệnh đã được quỹ BHYT thanh toán hàng tỷ đồng chi phí điều trị... Chính sách BHYT đã giúp giảm tỷ lệ chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mặc dù còn không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là trong việc vận động hơn 10% số dân còn lại tham gia BHYT, nhưng những kết quả đạt được cũng như sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng mục tiêu BHYT toàn dân sẽ trở thành hiện thực vào một ngày không xa.