Chi trả không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán hiện đại

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 ở khu vực đô thị có 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng đã được BHXH Việt Nam xác định tại kế hoạch ban hành cách đây hơn một năm, về công tác này.

Có thể nói, cùng với tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác, việc đẩy mạnh chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được ngành BHXH đặc biệt quan tâm. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng số người nhận chế độ qua phương thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Trên thực tế, BHXH là một trong những ngành thực hiện chi trả qua phương thức này từ khá sớm, trong đó, việc thí điểm đã được triển khai cách đây khoảng 10 năm. Song song với chi bằng tiền mặt, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM, với hàng trăm nghìn người hưởng. Khác với việc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, với phương thức này, người hưởng không cần phải hằng tháng đến địa điểm tập trung để lĩnh tiền chế độ; không cần phải chờ đợi; không sợ nhầm lẫn, thừa - thiếu; thuận tiện trong thanh toán chi phí mua sắm, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ phục vụ cuộc sống…, do vậy, tiết kiệm được thời gian, công sức và hoàn toàn yên tâm về độ chính xác. Với cơ quan chi trả, thực hiện phương thức này cũng đã bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt, tránh được tình trạng sai sót, quá tải trong xử lý công việc.

Mặc dù mang lại nhiều tiện ích và phát huy những tác động tích cực, nhưng đến nay việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng thấp, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngay tại Hà Nội, nơi người dân khá quen thuộc với phương thức này cũng mới chỉ có khoảng 24% người hưởng đăng ký nhận tiền lương hưu qua tài khoản; 76% còn lại vẫn nhận bằng tiền mặt. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên trước hết là do nhiều người dân, nhất là người cao tuổi vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi; số lượng máy ATM chưa nhiều, nhất là tại các khu vực ngoài đô thị. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với đối tượng người già, yếu, cao tuổi...

Vì vậy, để đạt được những mục tiêu đã xác định, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Chính phủ, của ngành về vấn đề này, trong đó tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc chi trả không dùng tiền mặt, quy trình, thủ tục thực hiện; các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.

Cùng với đó, sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình chi trả các chế độ và quản lý người hưởng để bảo đảm phù hợp quy trình cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng, tổ chức đại lý của ngân hàng cung ứng dịch vụ chi hộ bảo đảm tính an toàn, bảo mật và thực hiện giao dịch điện tử. Xây dựng mục tiêu, lộ trình và giao chỉ tiêu cho từng BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện để vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ chi hộ là đại lý của ngân hàng phù hợp với lộ trình phát triển mô hình đại lý ngân hàng, kênh phân phối hiện đại, nhất là ở các vùng chưa có hoặc ít có dịch vụ ngân hàng, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Hy vọng rằng, những giải pháp và bước đi phù hợp không chỉ giúp ngành BHXH đạt mục tiêu mở rộng phương thức chi trả hiện đại mà còn góp phần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế.