Cảnh giác với các thủ đoạn gian lận bảo hiểm xã hội

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) phát hiện một thủ đoạn gian lận BHXH mới trong thụ hưởng chế độ BHXH một lần.

Cụ thể, từ những nghi vấn ban đầu sau khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị này đã phối hợp BHXH Bình Dương tiến hành rà soát, xác minh, làm rõ việc trước đó đối tượng đã lợi dụng quy định, báo mất sổ BHXH (thực tế là sổ vẫn còn) để được cơ quan BHXH cấp lại sổ. Với hai cuốn sổ được “nhân bản” này, đối tượng đã ủy quyền cho những người khác nhau lập hồ sơ nhận BHXH một lần tại BHXH Phú Nhuận và BHXH tỉnh Bình Dương.

Sau khi phát hiện sự việc, cơ quan BHXH đã lập biên bản, tạm giữ sổ BHXH, “khóa” quá trình tham gia BHXH đối với chủ sổ BHXH, ngừng chi trả chế độ… và thống nhất đề nghị cơ quan công an tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Dù hành vi nêu trên nhanh chóng được cơ quan BHXH phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhưng vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng gian lận các chế độ BHXH với những diễn biến phức tạp, thủ đoạn, hành vi ngày càng tinh vi.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, cơ quan BHXH và các lực lượng chức năng ở nhiều địa phương đã phát hiện nhiều vụ gian lận, gây thiệt hại tới quỹ BHXH, như các vụ lợi dụng đóng BHXH cho người có thai để trục lợi chế độ thai sản; mua giấy chứng nhận nghỉ ốm để hưởng chế độ ốm đau trái quy định; làm hồ sơ giả để hưởng các chế độ dài hạn… Nhiều đối tượng liên quan đến các đường dây, hoạt động phi pháp này đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Không riêng ở Việt Nam, gian lận BHXH cũng là một nguy cơ mà các tổ chức BHXH trên thế giới luôn phải đối mặt. Theo Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), hiện có rất nhiều hình thức gian lận BHXH như gian lận trong việc đóng góp, gian lận về lợi ích, gian lận liên quan những hành động bất hợp pháp cố ý chống lại hệ thống an sinh xã hội từ các cá nhân có liên quan. Đó còn là sự tham gia của các mạng lưới tội phạm trong việc thực hiện các hành vi, như sử dụng các công ty ma hoặc tài liệu giả để trục lợi bất hợp pháp từ hệ thống BHXH.

Cũng theo tổ chức này, tình trạng gian lận BHXH không chỉ trực tiếp gây thiệt hại đối với quỹ BHXH, làm ảnh hưởng đến các tính toán chính sách, khiến quyền lợi của người lao động và người phụ thuộc của họ bị xâm phạm mà còn gây xói mòn niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống an sinh xã hội. Chính vì vậy, ISSA đã đưa ra nhiều khuyến cáo để các tổ chức BHXH ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, cần lưu ý việc thực hiện tốt nguyên tắc “phòng ngừa hơn sửa sai”, cụ thể như áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm rằng mọi nỗ lực hành động bất hợp pháp có rất ít cơ hội thành công. Cùng với đó, cần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trái pháp luật có chủ ý hoặc vô ý thông qua việc kiểm tra, điều tra các dấu hiệu nghi vấn, xử lý hình sự trong trường hợp cần thiết…

Đối chiếu với những khuyến cáo của ISSA và thực tế vấn đề này tại Việt Nam, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào hệ thống chính sách pháp luật, các biện pháp quản lý cũng như tinh thần trách nhiệm của ngành BHXH nói chung, cán bộ BHXH nói riêng. Đó không chỉ là một hệ thống pháp luật về BHXH ngày càng chặt chẽ, các quy định pháp luật hình sự thể hiện rõ sự nghiêm minh trong xử lý hành vi tội phạm trong lĩnh vực này mà còn là hệ thống các quy trình quản lý, nghiệp vụ BHXH ngày càng hoàn thiện được sự hỗ trợ bởi hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ đã được kết nối rộng khắp. Trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp, bên cạnh sự hỗ trợ từ những yếu tố nêu trên, trình độ nghiệp vụ, ý thức tuân thủ quy trình và tinh thần cảnh giác của người cán bộ BHXH cũng có vai trò rất quan trọng.