Lăng kính an sinh

Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Ngày 30-7 vừa qua, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Thanh tra Sở Y tế xem xét trường hợp một bệnh nhân có dấu hiệu lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) khi trong vòng một năm đã đi khám, chữa bệnh tới 149 lượt tại 18 cơ sở y tế, với tổng chi phí khám, chữa bệnh đã được thanh toán theo chế độ BHYT hơn 102 triệu đồng.

Theo BHXH thành phố Hồ Chí Minh, đây không phải là trường hợp duy nhất có số lượt khám, chữa bệnh cao bất thường. Cụ thể, thống kê của cơ quan này cho thấy, trong năm 2018, trên địa bàn đã có hơn 3.000 trường hợp khám, chữa bệnh hơn 50 lần, trong đó có 157 trường hợp khám bệnh tới 150 lần, thậm chí có 22 trường hợp khám bệnh hơn 170 lần (bình quân hai ngày lại đi khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT một lần).

Khi sự việc này vẫn đang "nóng hổi" thì tại Thanh Hóa, qua phản ánh của người dân và báo chí, cơ quan chức năng đã từng bước làm rõ một hiện tượng khá bất thường. Ðó là việc tên tuổi của nhiều học sinh, giáo viên tại Trường tiểu học Nga Trung (huyện Nga Sơn) "bỗng dưng" xuất hiện trong danh sách bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT của một bệnh viện đa khoa ở thị xã Bỉm Sơn, dù các em học sinh và giáo viên này chưa hề tới và sử dụng dịch vụ y tế tại đây, thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của cơ sở y tế này. Trong đó, có trường hợp một học sinh, theo danh sách của bệnh viện này, từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay đã có bốn lần khám, chữa bệnh tại đây và đã sử dụng nhiều dịch vụ được BHYT chi trả toàn bộ chi phí như: xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi; chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm ổ bụng, khám nội khoa, siêu âm Doppler tim, chụp X-quang…

Không "lộ liễu" như bệnh viện nêu trên, nhưng tại Gia Lai, các cơ quan chức năng cũng đang phải vào cuộc trước việc một bệnh viện tư nhân chuyên khoa mắt từ tháng 11-2018 tới giữa năm nay đã liên tục tổ chức hoạt động "khám, chữa bệnh nhân đạo" để "gom" bệnh nhân ở các địa phương trong tỉnh về bệnh viện để "mổ mắt miễn phí", nhưng với điều kiện là phải có thẻ BHYT. Ðiều đáng nói ở đây là trong sáu tháng đầu năm nay, bệnh viện tư này chỉ có hai bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco nhưng đã phẫu thuật phaco cho 2.600 ca đục thủy tinh thể và đề nghị BHXH thanh toán 24,2 tỷ đồng, vượt hạn mức cả năm gần sáu tỷ đồng. Ngoài việc "thu gom", khuyến khích người bệnh thực hiện phẫu thuật "miễn phí", điều khiến cơ quan quản lý không thể không nghi ngờ còn bởi không ít bệnh nhân đã "được" bệnh viện này mổ cả hai mắt trong cùng một ca phẫu thuật và hồ sơ của những trường hợp này đã được tách ra thành hai ca để thanh toán BHYT. Ðó là chưa nói đến việc nhiều trường hợp bệnh nhân sau mổ cho biết, hiệu quả điều trị "không rõ ràng" hoặc "không như kỳ vọng" hay "tệ hơn trước đó"…

Mặc dù các vụ việc nêu trên còn đang trong quá trình kiểm tra, xác định hành vi vi phạm cụ thể để đưa ra giải pháp xử lý theo quy định, nhưng chỉ qua những thông tin ban đầu, chúng ta có thể thấy, tình trạng lạm dụng trong khám, chữa bệnh BHYT hiện nay cả từ phía người tham gia BHYT lẫn cơ sở y tế vẫn là vấn đề không thể không quan tâm. Trên thực tế, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT; phối hợp với ngành y tế thúc đẩy việc cập nhật, liên thông thông tin khám, chữa bệnh BHYT để phục vụ công tác quản lý…, qua đó đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế trước mắt, không ít cá nhân, cơ sở y tế vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp đã có, cần sớm ban hành những quy định và hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHYT nói chung, hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT nói riêng.