Cải thiện hiệu quả hoạt động của cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp

NDO -

NDĐT- Sau hơn 12 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp dần đi vào cuộc sống, thu được những kết quả tích cực ban đầu. Tuy nhiên, một số nội dung cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” đã được trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

Tìm hiểu thông tin về bảo hiểm thấtnghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Thiên Vương).
Tìm hiểu thông tin về bảo hiểm thấtnghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Thiên Vương).

Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

Có thể nói, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách sớm đi vào cuộc sống và đạt được những hiệu quả nhất định, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia.

Sau hơn 12 năm triển khai chính sách, số người tham gia BHTN tăng khoảng 10% mỗi năm. Từ thời điểm ban đầu vào năm 2009, số người tham gia BHTN là gần sáu triệu người. Đến hết tháng 3-2020, con số này đã cán mốc 13,06 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 88% người tham gia BHXH bắt buộc.

Riêng trong năm 2019, hơn 812 nghìn người có quyết định hưởng BHTN hằng tháng; 41 nghìn người được hỗ trợ học nghề; hơn 1,6 triệu người được tư vấn, giới thiệu việc làm

Khi tham gia BHTN, nếu người lao động (NLĐ) mất việc làm, quỹ BHTN sẽ bảo đảm toàn bộ chế độ cho NLĐ. Họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và bảo hiểm y tế, hỗ trợ học nghề; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề.

Cải thiện hiệu quả hoạt động của cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp -0
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Quảng Ninh (Ảnh: Quang Thọ). 

Một điểm tích cực trong BHTN là chính sách này đã trở thành "bà đỡ" khi người lao động gặp rủi ro về việc làm, bù đắp cho họ những tổn thất về mặt tài chính. Cụ thể nhất là trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng, như đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam thời gian qua, nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Chính sách này giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí... trong khi chờ kiểm soát dịch bệnh.

Trong ba tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tổng số tiền chi các chế độ BHTN là hơn 2.700 tỷ đồng. Riêng trong tháng ba, cơ quan này thực hiện khoản chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 240.519 lượt người, với số tiền là 904 tỷ đồng, tăng 11% về lượt người và 20% về kinh phí so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 54.049 người hưởng mới (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019) với số tiền là 184 tỷ đồng.

Dự kiến, số tiền để chi các chế độ về BHTN sẽ tăng cao trong quý 2 năm nay, có thể lên tới 4.000 tỷ đồng do những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 về lao động, việc làm ở nước ta.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong thực hiện, BHTN còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể như, chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động. Chính sách chỉ tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết TCTN, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy còn nhiều điểm bất cập.

Điều này thể hiện trước hết về bộ máy, tính liên kết còn yếu còn do giới hạn trong phạm vi địa phương. Hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm còn chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động.

Bên cạnh đó, nhân sự thực hiện BHTN từ ba nguồn: biên chế, định biên, ký hợp đồng lao động. Do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng lao động thất nghiệp lớn.

Một bất cập nữa là cơ chế tài chính trong thực hiện BHTN. Có ba nguồn: nguồn ngân sách từ chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ từ Quỹ BHTN, nguồn thu từ các dịch vụ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Quỹ BHTN chưa hỗ trợ đầy đủ các chế độ BHTN và việc triển khai thực hiện BHTN, trong khi tất cả hoạt động của trung tâm như điều tra cung - cầu lao động, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, kết nối việc làm… đều phục vụ cho người thất nghiệp.

Cùng với đó, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng BHTN; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi BHTN…

Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN” đặt ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện BHTN, mức độ hài lòng của người lao động. Dự thảo cũng đưa ra 11 giải pháp, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm việc thực hiện BHTN thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả BHTN, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.