Tư vấn - Đối thoại

Các thuật ngữ liên quan đến hành vi gian lận bảo hiểm y tế

Ðiều 215, Bộ luật Hình sự có quy định về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT). Các thuật ngữ liên quan đến nhóm hành vi này được hiểu như thế nào? NGUYỄN HẢI MINH (Ninh Bình)

Trả lời:

Tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HÐTP ngày 25-6-2019 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giải thích rõ một số thuật ngữ, trong đó, các thuật ngữ liên quan đến tội gian lận BHYT quy định tại Ðiều 215 được giải thích như sau:

- Lập hồ sơ bệnh án khống quy định tại điểm a, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh (KCB) hoặc có sự việc KCB của người tham gia BHYT nhưng họ không phải điều trị mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ.

- Kê đơn thuốc khống quy định tại điểm a, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không có sự việc KCB hoặc có sự việc KCB của người tham gia BHYT nhưng không có việc sử dụng thuốc mà vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ BHYT.

- Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế (VTYT), dịch vụ kỹ thuật (DVKT), chi phí giường bệnh quy định tại điểm a, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp có sự việc KCB của người tham gia BHYT nhưng kê số lượng thuốc, VTYT, DVKT nhiều hơn số lượng thuốc, VTYT, DVKT mà thực tế người bệnh sử dụng hoặc kê thêm các loại thuốc, VTYT, DVKT mà thực tế người bệnh không sử dụng; kê tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại cơ sở KCB hoặc kê không đúng tên thuốc, VTYT, loại giường và các DVKT khác mà thực tế người bệnh đã sử dụng để làm tăng tiền chi phí KCB thanh toán với quỹ BHYT.

- Chi phí khác quy định tại điểm a, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là các chi phí phát sinh trong quá trình KCB tại cơ sở KCB không bao gồm chi phí tiền thuốc, VTYT, DVKT và chi phí giường bệnh (thí dụ: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh...).

- Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định.

- Thẻ BHYT được cấp khống quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ BHYT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng BHYT theo quy định.

- Thẻ BHYT giả quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ BHYT không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ BHYT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người tham gia BHYT nhưng đã bị thu hồi theo quy định của pháp luật và BHYT hoặc thẻ đã bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin của người có thẻ.

Có nên lĩnh bảo hiểm xã hội một lần?

Năm nay tôi 51 tuổi, đã làm việc và đóng BHXH được 11 năm. Hiện tôi đã thôi việc. Tôi có nên lĩnh BHXH một lần không?

PHẠM HUY THÀNH (Hà Nam)

Trả lời:

Ðiều 1, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Chính phủ về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động quy định:

Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Như vậy, nếu không tiếp tục tham gia BHXH nữa thì sau một năm kể từ ngày nghỉ việc bạn đủ điều kiện đề nghị giải quyết BHXH một lần.

Tuy nhiên, với 11 năm đóng BHXH, bạn có thể bảo lưu và lựa chọn tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện theo điều kiện cụ thể về quan hệ lao động của cá nhân bạn để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.