Bảo hiểm thất nghiệp và phương châm "ba đúng"

Qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người lao động làm thủ tục và hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người lao động làm thủ tục và hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Việc tổ chức thực hiện BH thất nghiệp thời gian qua với phương châm ba đúng "đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn" khi giải quyết các chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế, đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động (NLÐ), người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.

Theo báo cáo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau 10 năm triển khai thực hiện, đối tượng tham gia BH thất nghiệp được mở rộng và số người tham gia vượt so với phương án xây dựng chính sách. Năm 2009 khi bắt đầu triển khai chính sách, có khoảng sáu triệu người tham gia với số thu là 3.500 tỷ đồng; năm 2018 đã có 12,680 triệu người tham gia với số thu là 15.531 tỷ đồng; tăng 342% về số thu vào quỹ. Tính đến cuối năm 2018, kết dư quỹ hiện khoảng hơn 79 nghìn tỷ đồng và dự báo đến năm 2020, Quỹ BH thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.

Trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp tổ chức thực hiện BH thất nghiệp với phương châm ba đúng: "đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn", khi giải quyết các chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế (BHYT), đã có tác động tích cực, trực tiếp đến NLÐ, người sử dụng lao động và giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Trước đây, NLÐ chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, thậm chí, một số NLÐ còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết để hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng thời gian qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng được các trung tâm dịch vụ việc làm chú trọng, đa dạng hóa hình thức và cải tiến quy trình. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có xu hướng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (hơn 96% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp). Năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt, tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung cho biết, những năm gần đây, có rất nhiều trường hợp NLÐ đến trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm khi được tư vấn, giới thiệu việc làm đã quay trở lại thị trường lao động và không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của 63 trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng. Thống kê cho thấy, năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, năm 2015 có 24.363 người; năm 2018 có 37.977 người được hỗ trợ học nghề. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðồng Nai, Bình Dương...

Về việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, báo cáo của các địa phương cho thấy, số người quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng hằng năm. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực, với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng BH thất nghiệp, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2018 là khá ổn định, tỷ lệ bình quân là 12,5% (năm 2016 tăng 11,4% so với năm 2015, năm 2017 tăng 14,5% so với năm 2016 và năm 2018 có 763.573 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2017, tăng gần bốn lần so với năm 2010). Toàn bộ người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho NLÐ có thể khám, chữa bệnh và sớm trở lại thị trường lao động.

Ðánh giá về việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp, Phó Cục trưởng Lê Quang Trung cho rằng, điều được lớn nhất là chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và NLÐ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Với quy định đóng 1% tiền lương từ NLÐ và 1% tổng quỹ lương của những NLÐ tham gia BH thất nghiệp mà doanh nghiệp đóng vào Quỹ BH thất nghiệp, không quy định mức đóng khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp đã thật sự thể hiện sự chia sẻ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa người có trình độ lao động cao, ít rủi ro với NLÐ có trình độ thấp và nguy cơ thất nghiệp cao. Chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng NLÐ, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, qua đó thúc đẩy gắn kết xã hội.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Công tác quản lý lao động còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động cho nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLÐ, do đó, vẫn còn trường hợp NLÐ vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc NLÐ di chuyển nơi ở, nơi
làm việc...

Ðể thực hiện các mục tiêu và đạt hiệu quả việc thực hiện BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 28-NQ/TW (ngày 23-5-2018) của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH (năm 2021 đạt khoảng 28%, đến năm 2025 là 35%, đến năm 2031 là 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp), hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Theo Phó Cục trưởng Lê Quang Trung, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, đó là: sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BH thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm đến mức thấp nhất tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và NLÐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và NLÐ nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt công tác tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BH thất nghiệp. Và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BH thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BH thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.