Bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân

Được mệnh danh là "vựa lúa" của đồng bằng sông Hồng, với gần 1,8 triệu dân, hơn 90% số dân sống tại khu vực nông thôn, việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Thái Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư T.Ư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Người dân được đại lý tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: THÁI BÌNH
Người dân được đại lý tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: THÁI BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân của tỉnh và phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đã tạo ra những đột phá trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. UBND tỉnh Thái Bình thường xuyên quán triệt các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về BHYT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý BHYT.

Là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, BHXH tỉnh Thái Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tiếp tục trang bị kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên tại các cơ quan, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, mặt trận, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công đoàn cơ sở, cán bộ phụ trách công tác BHXH tại các doanh nghiệp và nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT tại các xã, phường, thị trấn. Phát huy lợi thế của hình thức tuyên truyền trực tiếp cho nhóm đối tượng tại cơ sở, chú trọng tuyên truyền về chính sách BHYT hộ gia đình cho nông dân, người lao động tự do; tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị sơ kết, tổng kết; tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền trực quan thông qua các pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu, băng-rôn, phướn, tờ gấp... Phối hợp Sở Y tế tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch triển khai Luật BHYT sửa đổi do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì bảy cuộc đối thoại trực tiếp tuyên truyền, phổ biến Luật BHYT sửa đổi tại bảy huyện trong tỉnh cho hơn 1.000 lượt đại biểu...

Tính đến tháng 6-2019, toàn tỉnh Thái Bình có 1.574.821 người tham gia BHYT, chiếm 87,82% số dân (trong đó có 452.142 người tham gia BHYT hộ gia đình), vượt 1,02% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019. BHXH tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với hơn 30 cơ sở y tế và 272 trạm y tế xã, phường, thị trấn; thực hiện thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT kịp thời, đúng quy định; kiểm soát tốt việc gia tăng chi phí KCB tại các cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT.

Tham gia hiệu quả công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại địa phương theo đúng quy định. Tổ chức công tác giám định theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam, thường xuyên thay đổi nhân sự, mô hình cho phù hợp từng thời kỳ, giai đoạn. Ngành y tế và BHXH phối hợp tổ chức tốt việc KCB BHYT từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến tỉnh, bảo đảm cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia KCB BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm bình đẳng trong KCB BHYT tại các cơ sở KCB và công bằng cho các đối tượng tham gia BHYT.

Chất lượng các dịch vụ y tế được nâng lên, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm; qua 10 năm thực hiện, các chỉ số KCB BHYT đều tăng với tốc độ cao. Nếu năm 2009, số lượt người bệnh KCB BHYT là 1.912.224 lượt, thì đến năm 2018 là 2.692.410 lượt, tăng 780.186 lượt; chi phí KCB BHYT năm 2009 là 326,6 tỷ đồng, năm 2018 là 1.895,4 tỷ đồng, tăng 1.568,8 tỷ đồng, bằng 4,8 lần so với năm 2009; nhóm người gặp nhiều khó khăn về kinh tế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội... đều được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT.

Từ những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, BHXH tỉnh Thái Bình rút ra những kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển BHYT trên địa bàn. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, vào cuộc tích cực từ cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT cũng như nâng cao chất lượng KCB, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT. Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT đến các nhóm đối tượng; chú trọng các hình thức truyền thông mới; nội dung truyền thông trọng tâm, đa dạng, phong phú, không chỉ quan tâm việc truyền thông phát triển đối tượng mà còn quan tâm truyền thông về quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia BHYT, nhất là quyền và trách nhiệm tham gia giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Ðặc biệt trong công tác bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT và quản lý sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, duy trì hiệu quả chế độ giao ban hằng quý, sáu tháng, một năm với ngành y tế và các cơ sở KCB để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thanh toán BHYT; phối hợp Sở Y tế kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc sử dụng quỹ BHYT, phát hiện kịp thời những biểu hiện lạm dụng trục lợi quỹ BHYT để kiến nghị xử lý. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và giáo dục đạo đức công vụ cho giám định viên trong công tác giám định BHYT. Tích cực phối hợp, tham gia cùng ngành y tế trong công tác chỉ đạo các cơ sở KCB cải tiến chất lượng bệnh viện, quy trình KCB, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của đội ngũ nhân viên y tế, tiếp tục triển khai đề án giảm tải bệnh viện, rút ngắn ngày điều trị bình quân, xây dựng các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, chỉ định các dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng người bệnh; quán triệt sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.