Ba tháng, chi hơn 2.700 tỷ đồng cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

NDO -

NDĐT- Trong ba tháng đầu năm 2020, tổng số tiền chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 2.700 tỷ đồng. Đây cũng là “phao cứu sinh” giúp người lao động bảo đảm một phần cuộc sống, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XUÂN CƯỜNG
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Tăng chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng kinh phí dành để chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong ba tháng đầu năm 2020 là 2.744 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 3, cơ quan này thực hiện khoản chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 240.519 lượt người, với số tiền là 904 tỷ đồng, tăng 11% về lượt người và 20% về kinh phí so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 54.049 người hưởng mới (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019) với số tiền là 184 tỷ đồng.

Dự kiến, số tiền để chi các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng cao trong quý 2 năm nay, có thể lên tới 4.000 tỷ đồng do những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 về lao động, việc làm ở nước ta.

Chính sách bảo hiểm tự nguyện đã triển khai ở Việt Nam từ thời điểm 1-1-2009. Người lao động tham gia đang được hưởng bốn chế độ: trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Hiện nay, chính sách an sinh xã hội này đang được thực hiện qua Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tại 63 tỉnh, thành phố.

Giảm 149 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Ba tháng, chi hơn 2.700 tỷ đồng cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp -0
Người lao động tại khu công nghiệp Phúc Điền, Hải Dương (Ảnh: Duy Linh). 

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho hay, trong quý 1 năm nay, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã giảm 149 nghìn người so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện đạt gần 13,3 triệu người.

Nguồn thu bảo hiểm thất nghiệp là 4.257 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng hợp số liệu trên toàn quốc trong quý đầu của năm 2020 cho thấy, có hơn 170 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này dự kiến sẽ tăng cao trong ba tháng tới, có thể vượt mốc hơn 300 nghìn người.

Cũng trong quý 1 năm nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng ghi nhận hơn 132 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn 332 nghìn người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm . Số người được giới thiệu việc làm là 25,6 nghìn người. Ngoài ra, 6308 người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề.

Tình trạng gia tăng số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động trong nước. Trong quý 1 năm nay, nhiều lao động gặp khó khăn về việc làm, dẫn tới tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp, phải nghỉ việc. Kết quả Điều tra lao động việc làm quý I năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta tăng lên. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng năm năm gần đây.

Trong đại dịch Covid-19, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm đã phát huy chức năng quản trị thị trường lao động thông qua thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là “phao cứu sinh” giúp người lao động bảo đảm một phần cuộc sống, vượt qua những khó khăn lúc đại dịch. Bảo hiểm thất nghiệp cũng giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước và người sử dụng lao động khi không phải cấp kinh phí hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh,

Ngoài ra, các trung tâm dịch vụ việc làm còn có hoạt động đặc thù là đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về thị trường lao động, nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động. Đồng thời, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường. Qua đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thị trường lao động nước ta.

Trong thời gian tới, để phát huy vai trò tích cực hơn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cần có giải pháp sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, bên cạnh việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đào tạo cần phải tăng chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để đẩy mạnh việc nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động.

Về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là với lao động trong khu vực phi chính thức. Cùng với đó, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

* [Infographic] Bảo hiểm thất nghiệp, điểm tựa cho người lao động

* Để nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần làm gì?

* Gia tăng người nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần

* Ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

* [Infographic] 20 triệu người khó khăn trong dịch Covid-19 được hỗ trợ