Ấm tình bảo hiểm

Ngày trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hơn 1.200 người dân có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hòa Bình đã được nhận "quà Tết" đặc biệt, đó là những tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và nhà tài trợ trao tặng.

Dù giá trị không lớn, nhưng khác với những món quà Tết truyền thống, tấm thẻ BHYT không chỉ giúp những người được tặng ấm lòng trong dịp Tết đến, Xuân về, mà còn vững tâm hơn trong cả một năm, bởi nếu không may gặp phải những rủi ro về sức khỏe, họ đã có thêm một điểm tựa vững chắc từ quỹ BHYT.

Cũng trong thời gian này và trước đó không lâu, hưởng ứng chương trình "Tặng thẻ BHYT, chia sẻ yêu thương" do BHXH Việt Nam phát động, BHXH nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã phối hợp các tổ chức, đoàn thể và cá nhân triển khai hoạt động trao tặng thẻ BHYT cho hàng nghìn người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Là ngành được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, những chính sách mang đậm tính cộng đồng, chia sẻ, nhân văn và cũng là những trụ cột quan trọng của hệ thống chính sách an sinh xã hội, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước, ngành BHXH Việt Nam cũng luôn quan tâm tới các hoạt động xã hội, cộng đồng, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Từ công việc hằng ngày, hơn ai hết, mỗi cán bộ BHXH đều thấu hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong việc bảo đảm an sinh suốt cuộc đời của mỗi người dân cũng như những thiệt thòi khó có thể bù đắp nếu người lao động, người dân không hoặc chưa có điều kiện tham gia vào hệ thống BHXH, BHYT. Ðó không chỉ là những "câu chuyện tương lai" như không có lương hưu khi hết tuổi lao động; không có chế độ nếu chẳng may gặp tai nạn trong quá trình lao động; không được hưởng các chế độ ngắn hạn mỗi khi ốm đau, thai sản; không được hỗ trợ khi thất nghiệp, nếu không tham gia BHXH, BH thất nghiệp, mà còn là nỗi lo luôn "thường trực" về cả sức khỏe lẫn tài chính nếu không có BHYT… Chính vì vậy, cùng với việc cố gắng "làm tròn vai" của cơ quan thực hiện chính sách, không ngừng mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia theo quy định của pháp luật và định hướng của Ðảng và Nhà nước, toàn ngành BHXH Việt Nam còn tích cực chung tay, góp sức để hỗ trợ những người còn khó khăn có cơ hội được thụ hưởng quyền lợi từ các chính sách nhân văn này.

Theo đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh đề xuất giải pháp vận động, quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được ngân sách hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc diện chính sách xã hội có thẻ BHYT… Riêng năm 2019, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đã tích cực hưởng ứng chương trình mua, tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Dù kế hoạch đặt ra chỉ "gói gọn" ở tám tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước với tổng số 2.400 thẻ BHYT (mỗi tỉnh 300 thẻ) được trao tặng trong sáu tháng cuối năm, nhưng thực tế, chương trình đã được nhân rộng ra rất nhiều địa phương, được "nối dài" sang cả năm 2020 và số thẻ BHYT cũng không chỉ dừng lại ở con số 2.400 mà có những địa phương đã vượt kế hoạch gấp đến sáu lần.

Tháng 11-2020, trước hoàn cảnh khó khăn của người dân bị thiệt hại bởi lũ lụt, cán bộ ngành BHXH đã quyên góp, kịp thời tổ chức các đoàn đến tận nơi thăm hỏi, cứu trợ và tặng 2.500 thẻ BHYT cho đồng bào tại 10 tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, nhiều học sinh, đồng bào khó khăn tại các tỉnh miền núi, như Ðiện Biên, Sơn La cũng được nhận những tấm thẻ BHYT nghĩa tình. Với sự "vào cuộc" nhiệt tình của ngành BHXH Việt Nam từ trung ương đến địa phương, chương trình trao tặng thẻ BHYT cũng đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố, huy động được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm…

Ðiều đó không chỉ góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT, mà còn giúp lan tỏa chính sách, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được sẻ chia, được cảm nhận thêm "hơi ấm" từ ngành BHXH Việt Nam, từ chính sách nhân văn của Ðảng và Nhà nước…

Thảo Nguyên