Yêu cầu thay đổi chuẩn nghèo

2020 là năm cuối thực hiện đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình thực hiện, chính sách này đã thể hiện một số bất cập. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng dự thảo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. 

Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Sìn Hồ hướng dẫn học viên trồng cây ăn quả tại bản Thà Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN
Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Sìn Hồ hướng dẫn học viên trồng cây ăn quả tại bản Thà Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Nhiều tiêu chí không phù hợp nên đánh giá sai

Trên thực tế đánh giá, có nhiều hộ rất khó khăn nhưng lại vẫn chỉ được coi là hộ cận nghèo, theo tiêu chí đề ra. Gia đình bà Nguyễn Thị Lanh ở xã Xuân Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một thí dụ. Bà ở trong căn nhà cấp bốn cũ nát. Đồ đạc không có gì đáng giá. Nhà không có buồng vệ sinh riêng. Sinh hoạt phải dùng nước giếng khoan. Bà Lanh đã ngoài 60 tuổi và phải nuôi một người con khuyết tật. Hai mẹ con không có nguồn thu nào khác ngoài việc được hưởng trợ cấp. Theo chỉ tiêu giảm nghèo của xã, hai năm nay hộ bà Lanh đã được nâng lên thành hộ cận nghèo chỉ vì gia cảnh không thay đổi theo đúng tiêu chí.

Hay vợ chồng anh Dũng, chị Vân ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên phải sống trong một căn nhà tuềnh toàng lợp bằng những tấm tôn cũ. Cuộc sống rất vất vả, sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, chị vợ mắc bệnh mãn tính, ốm đau thường xuyên. Làng xã ai cũng biết gia cảnh của anh chị ở mức hộ nghèo. Tuy nhiên, gia đình này chỉ được xếp vào hộ cận nghèo vì lý do, anh Dũng đi làm bảo vệ ở khu công nghiệp, có lương tháng ba triệu đồng. Mức thu nhập này, chia đôi mỗi người vẫn được hơn 800 nghìn đồng/người/tháng, là mức chuẩn tính cho hộ nghèo ở vùng nông thôn. 

Ngược lại, nhiều hộ không khó khăn vẫn được coi là hộ cận nghèo. Như trường hợp bà Thưng ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội đang sống trong ngôi nhà cấp bốn kiên cố, sân vườn khang trang. Trong nhà đầy đủ tiện nghi, không thiếu thiết bị, vật dụng tiện lợi nào. Bà có tám người con và họ luôn chu cấp cho bà có cuộc sống đủ đầy. Nhưng, hộ bà Thưng vẫn nằm trong diện cận nghèo vì theo tiêu chí: Bà Thưng hơn 60 tuổi, không có thu nhập lại sống một mình. Cùng xã có gia đình ông bà Trần làm nghề xay xát. Ông bà đều hơn 60 tuổi nhưng có việc làm nên thu nhập ổn định, vào mùa vụ, thu nhập còn ở mức khá. Ông bà Trần rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình nhưng vẫn được coi là hộ cận nghèo, căn cứ theo tiêu chí qua mốc 60 tuổi và không còn sức lao động.

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Qua rà soát bốn địa phương thì đã có tới 30% các hộ cận nghèo, hộ nghèo bị đánh giá sai. Qua đó, hộ không nghèo trở thành cận nghèo, còn hộ nghèo chỉ được đánh giá là hộ cận nghèo hoặc được thoát nghèo!

Bệnh thành tích

Giai đoạn 2016 - 2020, theo Nghị quyết số 100/2015 của Quốc hội khóa XIII, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo được giao là 1 - 1,5%/năm. Với nguồn đầu tư của Nhà nước, các địa phương đã tích cực triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo nhanh. Trong ba năm đầu 2016 - 2018, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 1,55%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, năm 2019, kết quả chùng xuống, chỉ giảm được khoảng 1,3% số hộ nghèo so cuối năm 2018.

Đây cần được xem là nghi vấn để đánh giá lại kết quả giảm nghèo của những năm trước đó một cách thực chất. Bởi năm 2019, nguồn lực bố trí cho giảm nghèo là hơn 10,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so trung bình ba năm trước (2016 - 2018) là gần 21,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng/năm, nhưng kết quả lại thấp hơn. 

Trong rất nhiều nguyên nhân của nghịch lý này, có một phần do khâu thực thi chính sách của các địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương đều áp chỉ tiêu cho chính quyền cơ sở. Vì vậy mới có thực trạng, một số địa phương chạy theo thành tích. Thậm chí có địa phương còn “sáp nhập” hộ nghèo để kết quả giảm nghèo thêm ấn tượng. Như thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), năm 2019, thôn có 15 hộ nghèo. Nhưng danh sách công nhận hộ nghèo của xã chỉ còn tám, do bảy hộ còn lại bị “ghép” vào hộ khác. Như gia đình ông Nguyễn Văn Oai (53 tuổi), vợ là Mai Thị Hằng (46 tuổi) là hộ nghèo của thôn. Nhưng cuối năm 2019, vợ chồng ông Oai bỗng dưng trở thành “con” của bà Lê Thị Chinh (65 tuổi), cùng có tên trong giấy chứng nhận hộ nghèo do bà Chinh làm chủ hộ!

Yêu cầu thay đổi chuẩn nghèo -0
Người dân xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: TTXVN 

Cần sớm xây dựng tiêu chí mới

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, có hai tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình. Gồm tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Tiêu chí này dựa trên 12 chỉ số: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo ở khu vực nông thôn được xác định là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Ở khu vực thành thị, hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới hai triệu đồng và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng (nông thôn), hai triệu đồng (thành thị) và thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Báo cáo đánh giá tác động của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với chuẩn nghèo mới (đưa vào áp dụng tháng 1-2021) thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng hơn 17 triệu người). Trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 10,83% (bao gồm 2% hộ nghèo “kinh niên” thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) và 5,77% là hộ cận nghèo.

Từ thực tế trước mắt trên, ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chỉ đạt 78% so giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25 nghìn tỷ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý...

Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã bảy lần ban hành chuẩn nghèo cho bảy giai đoạn. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019) và dự kiến sẽ dưới 3% vào cuối năm 2020. Bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so mục tiêu đề ra là 1 - 1,5%/năm.