Xử lý nghiêm tình trạng bến bãi hoạt động không phép

Ồn ào, ô nhiễm, mất an toàn giao thông (ATGT) là những gì mà suốt 10 năm qua người dân tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phải cố gắng chịu đựng những chuyến xe tải trọng lớn chở cát, sỏi ra vào các bãi khai thác trái phép trên địa bàn.

Những bến bãi hầu như không có đủ giấy phép quy định.
Những bến bãi hầu như không có đủ giấy phép quy định.

Cuộc sống đảo lộn

Khói, bụi được coi là “đặc sản” suốt cả chục năm nay mà người dân trên tuyến đường ven đê nối giữa khu dân cư ra đường lớn khu vực đê tả Cầu thuộc địa phận thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phải gánh chịu. Ngày cũng như đêm, có nhiều xe trọng tải lớn, cơi nới thành thùng để chở hàng, đa số đều không được chằng, buộc an toàn làm rơi vãi vật liệu trong quá trình di chuyển. Dọc tuyến đường chẳng mấy khi thấy có nhà nào mở cửa, đa số các hộ dân phải tự trang bị, lắp đặt thêm các tấm bạt cỡ lớn để ngăn không cho bụi và cát sỏi bay, bắn vào nhà.

Bà Nguyễn Thị Nga, người dân thôn Đạo Ngạn 2 phản ánh: “Chủ yếu là ô-tô có tải trọng lớn, mỗi lần xe đi qua là thấy rung cả nhà cửa. Môi trường thì bụi bặm, có che mành, che chiếu cũng chẳng ăn thua nên ở đây chẳng hộ nào kinh doanh được gì”.

Đoạn đường dân sinh dẫn từ đường lớn vào cầu Thị Cầu cũ này vốn là đường cụt và cấm xe tải đi qua. Tuy nhiên, hiện nay nó gần như là tuyến đường độc đạo của các xe chở vật liệu ra vào khu vực các bãi tập kết cát sỏi đê tả Cầu. Suốt gần chục năm qua, phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường cùng sự mất ATGT mà không có đơn vị chức năng nào xử lý dứt điểm, người dân đã phải tự bảo vệ mình bằng cách rải các bao tải cát hay những hòn bê-tông ra đường để hạn chế tốc độ của những chiếc xe “tử thần”.

Ông Lưu Viết Thông, người dân tại đây cho biết, trước chưa làm đường bê-tông thì đường đất bụi bẩn, lầy lội. Làm đường xong không những vẫn bụi như thế mà còn có đá sỏi rơi đầy ra đường. Ô-tô thì rất lớn, người dân phải để “chướng ngại vật” nhằm chắn cho ô-tô chở đi một làn, còn bà con đi một làn để tránh tai nạn. Ông Thông và bà Nga là những người đại diện cho các hộ dân ở thôn Đạo Ngạn 2 đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương để phản ánh thực trạng nhưng suốt nhiều năm không được xử lý dứt điểm. 

Lần theo tuyến đường di chuyển của các xe tải, chúng tôi tiếp cận được một khu vực lớn tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng nằm trong khu vực bảo vệ đê tả Cầu. Đây giống như một công trường lớn với đầy đủ các thiết bị: cẩu, máy xúc, thuyền chở hàng lớn, thậm chí là các trạm trộn bê-tông... hoạt động liên tục. Được biết, trước năm 2012, khi chưa có cầu Thị Cầu mới, thì đây vốn là trục đường chính liên xã. Khi cầu mới được đưa vào hoạt động thì tuyến đường này đã có chỉ đạo đóng lại để bảo đảm ATGT đường sắt. Tuy nhiên, gần chục năm qua, lối đi vẫn được duy trì cho các xe tải hoạt động. Nhiều cọc và rào chắn để phục vụ cho việc đóng đường đã được chuẩn bị nhưng đến giờ vẫn nằm nguyên một chỗ. 

Cần biện pháp cứng rắn hơn

Làm việc với UBND xã Quang Châu, chúng tôi được biết, trên địa bàn xã, hiện có 22 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động bến bãi bao gồm hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng và trạm trộn bê-tông. Trong đó, có 13 bến bãi nằm trong quy hoạch của tỉnh và có chủ trương đầu tư còn lại nằm ngoài quy hoạch. Hầu hết các bến bãi này đều đang hoạt động mà chưa hoàn thiện được các thủ tục cấp phép cần thiết.

“Qua rà soát, kiểm tra và xử lý, chúng tôi thấy rằng tất cả các điểm kinh doanh đều thuộc diện có những hợp đồng thầu đất với thôn, xã nhưng hầu hết không đúng quy định của pháp luật. Đây chính là nguyên nhân ban đầu dẫn tới những vi phạm”, ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết.

Đối với 13 đơn vị nằm trong quy hoạch của tỉnh thì đa số đều đang thiếu giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hoặc hoạt động chưa phù hợp các quy định về khoảng cách an toàn chống sạt lở đất. Đây là vướng mắc mà UBND tỉnh cũng đang gặp phải khi mà quy định chồng chéo nhau và mỗi thời mỗi khác. Chính vì vậy, trên địa bàn toàn tỉnh có 119 bến bãi hoạt động liên quan đến đê điều thì chỉ có 83 bến bãi được chấp thuận đầu tư, 72 bến bãi phù hợp quy hoạch nhưng đa số đều thiếu các điều kiện như vừa nêu để được cấp giấy phép hoạt động.

Trong tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các ngành, địa phương rà soát toàn bộ 119 bến bãi để sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quản lý hoạt động. UBND tỉnh Bắc Giang cũng như huyện Việt Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm các đơn vị bến bãi hoạt động không phép. Đại diện UBND huyện Việt Yên cũng nhận trách nhiệm khi để xảy ra các sai phạm. “Tuy nhiên, công tác xử lý cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, thứ nhất là áp lực do có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư với suất đầu tư rất lớn. Tiếp đó là nhu cầu xây dựng, nhu cầu về sử dụng các vật liệu xây dựng của địa phương trong những năm qua là rất lớn do tăng trưởng kinh tế, dẫn tới các doanh nghiệp, các hộ gia đình kinh doanh bến bãi mong muốn phát triển lớn”, ông Lượng cho biết.

Cũng phải kể đến các nguyên nhân chủ quan khi trong thời gian qua, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã không thật quyết liệt trong việc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng tập kết, vận chuyển cát sỏi và vật liệu xây dựng trái phép. Từ đó dẫn tới việc các doanh nghiệp ngang nhiên hoạt động, số tiền phạt hành chính còn quá nhẹ.