“Xe dù, bến cóc” vẫn lộng hành

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều đợt đẩy mạnh xử lý vi phạm liên quan tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhằm giữ gìn trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Thế nhưng, vào thời điểm dịp lễ 30-4, 1-5 đang đến gần, tình trạng này vẫn tiếp diễn và lan rộng khắp các địa bàn, thậm chí một số bến bãi “trá hình” ngang nhiên hoạt động, bất chấp các quy định của cơ quan chức năng.

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra giấy tờ lái xe. Ảnh: TTGT
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra giấy tờ lái xe. Ảnh: TTGT

Xử lý nhiều lần vẫn hoạt động công khai

Ghi nhận trên tuyến quốc lộ (QL) 1A, QL 13 (đoạn qua TP Thủ Đức), xe khách đi từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) và Bến xe Ngã Tư Ga (quận 12) hướng ra các tỉnh, thành phố miền trung và phía bắc, đều dừng, đỗ đón khách sai quy định, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Có thể điểm mặt một số “bến cóc” tại ngã tư An Sương (quận 12), ngã tư Bình Phước, cây xăng phường Tam Bình, trước cổng Trường đại học Nông Lâm và trước Khu du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức). 

Chúng tôi có mặt tại ngã tư Bình Phước - nơi được xem là điểm nóng “bến cóc”, nhiều “xe dù” thường tập kết tại đây để đón khách. Những chiếc “xe dù” này ngang nhiên dừng đậu bên đường, ngay trên làn dành cho xe hai bánh để đón khách dọc đường. Các xe này chủ yếu chạy tuyến TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, Vũng Tàu, các tỉnh miền trung và phía bắc. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi ghi nhận có hàng chục “xe dù” tung hoành tại khu vực này. 

Ở mỗi khu vực “xe dù” đậu đỗ, cảnh tượng chèo kéo hành khách phản cảm gây nên sự nhốn nháo, mất an ninh - trật tự và an toàn giao thông. Nhiều người dân sống tại đây đã quá quen với những cảnh tượng như vậy, nên chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Còn tại cổng Khu du lịch Suối Tiên, nhiều hành khách chỉ cần đứng chờ là ngay lập tức được “lơ xe” đưa người và hành lý lên xe. Đáng nói, bến cóc này đã tồn tại nhiều năm qua, cơ quan chức năng cũng nhiều lần ra quân xử lý nhưng vẫn chưa thể dẹp bỏ.

Lâu nay, dư luận cũng rất bức xúc trước tình trạng đón trả khách trái phép tại hai bến xe tự phát số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh - đối diện Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh). Hai bến xe này đã tồn tại một thời gian dài và dù chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan nhiều lần lập các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. 

Thậm chí, hoạt động của bến xe “trá hình” nói trên còn lấn chiếm kênh, rạch từ nhiều năm qua gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, chính quyền sở tại là UBND quận Bình Thạnh và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. “Có ở khu vực chung quanh hai điểm đón trả khách trái phép này mới biết, cứ vào giờ cao điểm sáng - chiều khi lưu thông qua đây đều khổ sở vì nó án ngữ hết mặt đường. Chuyện muộn giờ làm, hay thậm chí phải nghỉ làm vì bị kẹt cứng tại khu vực này đã trở nên quen thuộc”, anh Lê Văn Thuyết (ngụ TP Thủ Đức) ngán ngẩm cho biết.

Tương tự, tại đường Nguyễn Cơ Thạch (gần đoạn giao với đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức), cũng đang xuất hiện tình trạng một số xe ô-tô hợp đồng công khai đỗ đón khách ngay bên đường.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quý I - 2021, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện và lập biên bản 449 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 593 triệu đồng. Riêng các tuyến đường chung quanh Bến xe Miền Đông cũ và hai bãi xe 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh, chỉ trong một tuần mới đây (từ ngày 23 đến 30-3), Thanh tra giao thông phối hợp Đội Cảnh sát giao thông Hàng Xanh phát hiện, xử lý vi phạm hành chính tám trường hợp, xử phạt 26,5 triệu đồng; tước phù hiệu và giấy phép lái xe hai tháng đối với hai trường hợp.

Đối phó tinh vi

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Đàm Phan Phát cho hay, trong tuần tra, xử lý vi phạm, khi phát hiện hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định, các tài xế thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái và khi thấy lực lượng chức năng thì tăng ga bỏ chạy. “Điều đáng nói, các đơn vị kinh doanh vận tải thường cho người cảnh giới, khi phát hiện có lực lượng chức năng thì lập tức thông báo để xe không vào tổ chức đón, trả khách. Khi lực lượng chức năng rút thì mọi hoạt động lại diễn ra, hoặc khi có lực lượng chức năng thì đưa xe vào trong nhà, trong khu vực khuôn viên doanh nghiệp hay các đường nội bộ để lên, xuống khách”, ông Phát chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, nạn “xe dù”, xe khách “trá hình” ở thành phố và các địa phương đang diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều chiêu trò “lách luật” hơn trước. Do các nhà xe này vừa đăng ký là xe hợp đồng, vừa là xe tuyến cố định nên lúc thì chạy hợp đồng, lúc thì chạy tuyến cố định. Thậm chí, nhiều xe đón khách tại văn phòng sau đó lại chạy vòng qua bến để đóng dấu xuất bến nhằm hợp thức hóa tuyến cố định.

“Tình trạng xe hợp đồng núp bóng xe chạy tuyến cố định đang diễn ra khá phổ biến, gây nhiều trở ngại cho hoạt động vận tải. Trước hết, hoạt động này gây mất trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố cũng như mỹ quan đô thị. Ngoài ra, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, bởi những xe hoạt động như vậy sẽ không đóng thuế. Hành vi trái phép này còn tạo ra môi trường bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh, trong đó những đơn vị, hợp tác xã làm ăn chính đáng luôn bị thiệt thòi”, ông Lê Trung Tính chỉ rõ.

Theo thông tin từ Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, các đơn vị Phòng PC08 đã xử lý hơn 1.000 trường hợp xe khách vi phạm dừng, đỗ không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố. 

Để lập lại trật tự, an toàn giao thông và đưa hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật, ông Đàm Phan Phát cho rằng, trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các sở, ban, ngành để thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên. Riêng Thanh tra Sở GTVT tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra độc lập và phối hợp Phòng PC08, công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các phương tiện vi phạm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm có hoạt động đón, trả khách không bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn giao thông và các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định. 

Theo Trung tá Nguyễn Văn Bình, thời gian tới, Phòng PC08 sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xác định những điểm có phương tiện dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định để tập trung xử lý, thực hiện hiệu quả xử lý qua hình ảnh (phạt nguội) đối với các hành vi này.

Để giải quyết nạn “xe dù, bến cóc”, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng đề xuất: “Cần phải quy định loại hình đăng ký kinh doanh bãi đậu xe là loại hình kinh doanh có điều kiện. Quy định như vậy sẽ phát sinh thủ tục, nhưng là biện pháp cần thiết để khi phát hiện các bãi xe vi phạm cơ quan chức năng có quyền yêu cầu ngưng hoạt động. Điều này cần phải có ý kiến của các bộ, ngành T.Ư và Chính phủ”.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người dân vui lễ 30-4 và 1-5, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, ngành giao thông thành phố đã lên kế hoạch và sẵn sàng các phương án phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, ngoài các giải pháp tăng cường lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong để phân luồng, điều tiết giao thông tại các điểm nóng thì nhiều giải pháp như điều chỉnh thời gian tín hiệu đèn, hạn chế ô-tô giờ cao điểm… cũng được áp dụng. Đối với công tác vận tải hành khách, dự báo dịp lễ này lượng hành khách đi lại tại các bến xe sẽ tăng 100% so cùng kỳ năm trước, Sở yêu cầu các bến xe bảo đảm đủ phương tiện phục vụ khách, có phương án điều động nhanh phương tiện để giải tỏa hành khách dồn ứ, quá tải tại bến, tăng cường xe bus đến các khu vực điểm nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, bến phà Cát Lái, ga Sài Gòn, các bến xe…