Vui buồn làng rau gia vị

Sông Nhuệ trước kia trong sạch, có lượng nước tưới tiêu dồi dào, nhiều làng ven đê trồng đủ các loại cây ngắn ngày đến cây ăn quả. Duy chỉ có ở khu vực xã Tân Minh, huyện Thường Tín, TP Hà Nội là chuyên trồng rau gia vị đã hàng trăm năm.

Ông Trần Quang Tuyến tưới cho ruộng rau đay đỏ mới gieo thay cho ruộng tía tô.
Ông Trần Quang Tuyến tưới cho ruộng rau đay đỏ mới gieo thay cho ruộng tía tô.

Rau phụ - thu nhập chính

Nhìn cánh đồng rau gia vị bạt ngàn xanh đỏ (tía tô, kinh giới) kèm theo mùi thơm hơi cay cay của rau như được đắm chìm vào một “vương quốc hương liệu”. Ông Trần Quang Tuyến (thôn Phú Lương, xã Tân Minh), một cán bộ nghỉ hưu đang cần mẫn với hai sào rau vui chuyện: Các cậu có thể hái ăn thử trực tiếp vì rau ở đây không phun thuốc trừ sâu hóa học, chỉ phun thuốc sinh học, một số hộ còn ngâm tỏi ớt để phun. 

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của nghề trồng rau gia vị, ông Tuyến xuề xòa nói: Nghề nông thì ở đâu cũng có, trồng rau gia vị ở khu vực này thì tôi cũng không biết chính xác có từ bao giờ. Chỉ biết, trong thời kỳ Pháp thuộc (cuối thế kỷ 19 đầu 20) thì phát triển mạnh hơn, họ mang sang đây một số giống rau xứ lạnh rồi gọi chung cả rau địa phương là rau lagim, nên dân trong vùng còn thường gọi Tân Minh là đất lagim. Rau gia vị vốn chỉ là thứ rau phụ trên bàn ăn nhưng đem lại thu nhập chính cho nông dân trong vùng. Như ở thôn Phú Lương thì nay đã không còn trồng lúa, hầu hết đã chuyển sang trồng rau gia vị và một số giống bưởi.

Qua nhiều năm sản xuất, người dân xã Tân Minh đã có nhiều cải tiến trong kỹ thuật trồng như: hầu hết các hộ đều khoan giếng lấy nước mà không lấy nước sông Nhuệ ô nhiễm để tưới, lắp đặt hệ thống giàn mưa tiết kiệm công tưới, một số hộ đầu tư lắp màn che nắng, thắp điện để điều chỉnh thời gian phát triển của rau, đưa giống húng Láng gốc của Hà Nội về trồng, sử dụng phân vịt ủ hoai mục và hạn chế phân hóa học. Đặc biệt, trước đòi hỏi của sản xuất lớn, chuyên canh, xã Tân Minh đã tiến hành dồn điền đổi thửa năm 2008, kéo hệ thống điện ra đồng để người dân thắp sáng và lắp đặt máy bơm, mở một số lớp trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, cả năm thôn của xã Tân Minh gồm: La Uyên, Phúc Trại, Thọ Giáo, Phú Lương, Triều Đông đều trồng rau gia vị với tổng diện tích hiện nay khoảng 150 ha.

Trồng đủ các loại rau nhất và diện tích lớn nhất xã là thôn Thọ Giáo. Cụ Ngọc, năm nay 75 tuổi cho biết, thật ra để nói trồng rau gia vị mà làm giàu thì chưa đủ mà phải kết hợp đi chợ giỏi. Ở đây cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km nên thị trường tiêu thụ lớn, người dân sáng đi chợ chiều lại ra đồng đến tối mịt, làm quần quật cả ngày. Nên bù lại thu nhập cũng ổn định, nhiều nhà mua ô-tô để đi buôn, thu mua ngay đầu làng, còn ai không đi buôn được thì tập trung vào trồng, như tôi thân già một mình trồng một sào cũng gọi là đủ ăn, hộ nhiều nhất cũng rơi vào 7 - 8 sào.

Sang làng Phúc Trại gần đó, cô Nguyễn Thị Nhã đang làm rau tía tô chia sẻ: Rau gia vị được cái trồng quanh năm gần như không lúc nào đất nghỉ, hết tía tô tới rau ngổ, rau răm, húng Láng đến trồng rau đay, ngải cứu. Rau gia vị cho thu lợi gấp hai hoặc ba lần trồng lúa, vào thời điểm rau đắt thì 300 nghìn đồng được 200 cành tía tô, năm nghìn đồng một gắp húng Láng hoặc ba nghìn đồng mớ mùi, đắt gấp đôi củ su hào. Nhà nào trồng mẫu rau thì thu vài triệu đồng một ngày là chuyện thường.

Được biết, hiện nay xã Tân Minh có hơn 30 ô-tô bán tải thu mua rau và hàng chục xe máy thu mua để tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/một người, một năm. Trung bình một ngày, toàn xã Tân Minh tiêu thụ 60 - 80 tấn rau các loại.

Vui buồn làng rau gia vị -0
Cánh đồng rau tía tô, kinh giới xanh tốt kèm với hệ thống tưới phun mưa ở vựa rau Tân Minh. 

Lao đao vì dịch Covid-19

Giàu từ rau gia vị là vậy, nhưng trước làn sóng dịch Covid-19, vùng rau gia vị Tân Minh cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Nguồn tiêu thụ từ các nhà hàng, quán ăn giảm hẳn, các chợ họp cũng nhanh hơn, người đi chợ chỉ mua những vật phẩm thiết yếu rồi về, khiến tiểu thương thu mua ít hơn, nông dân không bán được phải bỏ đi.

Ông Trần Quang Tuyến nói mình vẫn còn may vì có lương hưu chứ không cũng khốn đốn với hai sào tía tô, kinh giới trồng trước Tết. “Vẫn như mọi năm, hy vọng sẽ bán được nhưng không ngờ chợ năm nay ế quá, thành ra phải nhổ bỏ đi mất một nửa, may ra đủ tiền giống với phân bón. Tôi đang chuyển một nửa sang trồng rau đay vì sắp vào hè, rau đay dễ bán hơn cho dù không được lãi nhiều như rau gia vị”, ông nói.

Nhìn lão nông Tuyến nhổ mấy luống tía tô để bỏ đi mà không khỏi xót xa, tuy vậy, ông vẫn bảo đây là khó khăn chung, rồi cũng sẽ qua, mình thiệt hại như này vẫn là ít hơn so người dân ở tâm dịch Hải Dương. “Rau ăn thì còn đem cho, ăn cố được, chứ rau gia vị chủ yếu phục vụ nhiều cho liên hoan, tiệc tùng, ăn nhà đám chứ bữa ăn hằng ngày dân dã lại ít dùng”, ông Tuyến tâm sự.

Cụ Ngọc thì phân trần về luống mùi, mỗi luống mất 20 nghìn đồng tiền máy đất, 50 nghìn đồng tiền phân vịt, 50 nghìn đồng phân lân, đạm rồi tưới cả tháng mà bán kịch được 300 nghìn đồng. Trước khi có dịch thì bán được ít nhất một triệu đồng một luống mùi, mà cụ thì già rồi, không đi bán được, chỉ bán buôn, phải ra thật sớm (1 giờ sáng) ở chân cầu Là mới bán được, ra muộn thì họ mua xong rồi, mình chỉ có mang về mà ăn. Vừa chuyện vừa hái cho tôi 10 nghìn rau mùi, cụ Ngọc hái đầy một túi nylon năm cân mà vẫn hỏi tôi “chú có ăn nữa không” mới biết giá rau rớt thê thảm thế nào.

Vựa rau gia vị Tân Minh có tiếng là vậy, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường, đầu ra còn bấp bênh, hộ nào vừa sản xuất vừa buôn bán lo cho đầu ra của thửa ruộng nhà mình thì có của ăn của để, còn hộ sản xuất thì chỉ “đủ ăn đủ tiêu”. Cầm trên tay cả cân rau mùi với giá 10 nghìn đồng mua của cụ Ngọc, bước vào siêu thị Vinmart gần đó, thấy mớ mùi cũng 10 nghìn đồng mà chỉ được khoảng chục cây mà không khỏi thương cho người nông dân “trông trời, trông đất, trông mây” bao ngày tháng.

Hy vọng, làn sóng dịch bệnh sẽ sớm đi qua để những người nông dân một nắng hai sương, tần tảo sớm hôm được hưởng thụ xứng đáng thành quả trên đồng ruộng, từ những giọt mồ hôi còn cay mặn.

Ông Nguyễn Văn Đoán (thôn Phúc Trại) vừa “khánh thành” giàn mưa khấp khởi cho biết: Đầu tư 2,5 triệu đồng tiền ống trên một sào để trồng rau đay đỏ, hy vọng sẽ gặp nhiều thuận lợi, gỡ gạc cho vụ rau gia vị không thành công vừa rồi.