Tự chủ để sử dụng nguồn lực bệnh viện công hiệu quả

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm cơ chế tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm toàn diện của bốn bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế. Đây được coi là quyết sách mang tính đột phá nhằm phát huy chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh.

Khi được giao quyền tự chủ tài chính, các bệnh viện phải thay đổi để bảo đảm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: NG.HẢI
Khi được giao quyền tự chủ tài chính, các bệnh viện phải thay đổi để bảo đảm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: NG.HẢI

Tăng nguồn lực, tăng trách nhiệm

Theo Nghị quyết, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các BV gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và K. Nghị quyết nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Ngoài ra, thực hiện trách nhiệm xã hội của BV, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý. Không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế tự chủ là ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, bốn BV này khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc BV hoặc Tổng Giám đốc BV (theo Đề án của mỗi BV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với thời gian tối đa là hai năm.

Về tiền lương, giá dịch vụ y tế, đơn vị được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập và được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành.

Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2018, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ. Cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp. Có gần 1.400 đơn vị tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên. Các BV khi tự chủ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật cao như ghép tạng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm... Ngân sách năm 2018 giảm cấp cho các BV khoảng 9.000 tỷ đồng/năm so ba năm trước.

Về vấn đề đổi mới trong tự chủ, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Chưa có thống kê đầy đủ tại các BV của cả nước về cắt giảm biên chế, nhưng tại 23 BV do Bộ quản lý, nhờ tự chủ toàn bộ chi thường xuyên nên đã giảm hơn 25.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương ứng gần 1.250 tỷ đồng”. Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cũng chia sẻ, ông nhận thấy các BV đã có nỗ lực khi thực hiện tự chủ, nếu không nỗ lực thì bệnh nhân không đến. Do tự chủ mà các thiết bị y tế kỹ thuật cao, mới tại nhiều BV liên tục được đầu tư, mua sắm nhằm cạnh tranh, thu hút người bệnh.

Được biết, năm 2018, sau khi được Bộ Y tế giao tự chủ toàn bộ tài chính, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K tăng gần 50% so thời điểm trước năm 2016, điều trị nội trú tăng hơn 20%. Doanh thu của BV có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%.

Tự chủ để sử dụng nguồn lực bệnh viện công hiệu quả ảnh 1

Nhờ tự chủ, nhiều BV đầu tư, mua sắm được các thiết bị y tế kỹ thuật cao. Ảnh: SONG ANH

Nhưng vẫn chờ quy chế…

Bộ Y tế đánh giá, điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, điều lo ngại nhất là khi các BV tự chủ toàn bộ thì liệu có dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ y tế hay không?

Trả lời báo chí về vấn đề này, GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, thực tế từ năm 2016 trở về trước, BV K đã là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên, thuộc nhóm 3 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP. Từ năm 2017, BV được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, tức là thuộc nhóm 2. Do vậy, việc triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện theo Nghị quyết số 33 tại BV K sẽ không gây ra quá nhiều sự xáo trộn.

Hơn nữa, trong Nghị quyết số 33 của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh mục tiêu khi triển khai cơ chế tự chủ ở bốn BV tuyến T.Ư là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ BHYT, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo; đặc biệt không được để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Giám đốc BV K khẳng định, khi được giao quyền tự chủ tài chính, đòi hỏi các BV phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để bảo đảm nâng cao chất lượng BV.

Về giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải thực hiện theo đúng quy định, áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành. Còn với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, bốn BV tự chủ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Y tế, hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng về việc BV tự chủ thì được quyền hạn như thế nào. Khi viện phí chưa tính đủ chi phí, phải phân biệt rõ các hoạt động, dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ và dịch vụ y tế được coi là “dịch vụ có thu trong BV”. Trong khi đó, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám, chữa bệnh và hướng dẫn điều trị để bảo đảm việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi quỹ BHYT. Hiện cũng chưa có hướng dẫn về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chuyên môn và định mức tính giá của Bộ Y tế. Từ đó, đã có lúc bảo hiểm lại đòi “xuất toán” vì cho rằng BV chi không hợp lý.

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 cho biết, qua kiểm toán, việc liên doanh, liên kết với khu vực tư đã đẩy người bệnh “thiệt đơn thiệt kép”. Giá trị của nhiều máy móc, thiết bị khi vào BV được nâng lên gấp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí trả cho máy sẽ kéo dài thời gian hơn, “đè” người bệnh. Cụ thể, ông Thăng cho biết có trường hợp, theo giá thực thời gian đặt máy chỉ bảy năm, đến năm thứ tám, máy đó thuộc BV. Thế nhưng cũng cái máy ấy đã được nâng giá lên gấp đôi, nên máy phải được sử dụng 10 - 15 năm. Trong thời gian đó, người bệnh vẫn phải trả tiền. “Đây là một vấn đề mà Bộ Y tế cần phải giám sát chặt chẽ, có cơ chế để ngăn chặn tình trạng này”, ông Thăng nói.

Về giá dịch vụ y tế , mới đây nhất, Bộ Y tế đã ký ban hành hai thông tư thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh, bao gồm giá dịch vụ có BHYT và ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm. Theo đó, giá khám bệnh BHYT chỉ tăng không đáng kể ở tất cả các tuyến nhưng giá ngày giường bệnh tăng thêm khoảng từ 5%: từ 753 nghìn đồng lên 782 nghìn đồng ở BV hạng đặc biệt; ở BV hạng 1, giá ngày giường bệnh tối đa là 705 nghìn đồng; BV hạng 2 là 602 nghìn đồng.

Quy định mới này cũng điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ y tế do BHYT chi trả ở các tuyến y tế. Ngoài ra, các dịch vụ ngoài phạm vi BHYT thanh toán cũng được điều chỉnh tăng, khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động tăng lên 450 nghìn đồng /người/lượt khám (trước đây là 420 nghìn đồng); khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe cho người lao động, lái xe (chưa tính xét nghiệm, chụp X-quang) là 160 nghìn đồng /người/lượt khám, tăng 15 nghìn đồng so với trước.

Mức giá mới tăng được tính chi phí quản lý. Hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương. Như vậy, giá dịch vụ (áp dụng cho nhóm bệnh nhân BHYT) sẽ tiếp tục tăng, cùng với đó hy vọng, người bệnh sẽ được nhận chất lượng dịch vụ cao hơn.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành đã quá lâu nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn còn “nợ” hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành y tế. Từ đó để xảy ra tình trạng BV (và các nhà đầu tư thiết bị) cứ “chạy” trước, các chính sách quản lý đi sau. Đó cũng là lý do vô tình đẩy những thiệt thòi, khó khăn, chi phí khám, chữa bệnh tăng... về phía người bệnh.