Tự chủ bệnh viện vẫn còn vướng mắc

Sáng 3-10, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: NAM ANH
Thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: NAM ANH

Chuyển từ “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”

Qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ. Người dân có cơ hội tiếp cận những dịch vụ kỹ thuật cao. Nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ. Các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu - chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ.

Tuy nhiên, một số vấn đề nổi lên như: Văn bản hướng dẫn liên quan cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện; việc thực hiện tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc nên chưa được tự chủ thực chất. Đặc biệt, còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Theo Bộ Y tế, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện T.Ư và thành phố. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”. Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018.

Nhưng đi kèm với đó vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành, có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu. Trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

Giá dịch vụ y tế chưa thống nhất

GS, TS Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đặt vấn đề: Hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, các đơn vị, bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi chưa được thu đủ, nhưng nơi thì thu thêm. Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính. “Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này và bao giờ thì xong? Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?”, đại biểu chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay có hai luồng ý kiến. Có ý kiến nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công “thở” thế nào? Nút thắt này cần được tháo gỡ. Quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư. Hiện nay, nhiều bệnh viện khó tuyển dụng người vì vướng trần biên chế, vướng quy định về tinh giản biên chế nên vẫn phải duy trì mô hình một bác sĩ, một điều dưỡng chăm sóc nhiều bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân nào vào viện cũng cần ít nhất một người nhà chăm sóc, vừa vất vả, tốn kém mà chất lượng chăm sóc người bệnh không thể như điều dưỡng được.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng không đồng tình việc tinh giản biên chế nhân viên y tế ở một số địa phương. Theo đại biểu, giảm biên chế 10% là giảm số người “ăn lương” Nhà nước, còn bệnh viện vẫn phải tăng người làm mới tăng quy mô và chất lượng dịch vụ được. Thực tế ở Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư thời ông làm giám đốc, số cán bộ, nhân viên y tế tăng 1.000 người nhưng bệnh viện dùng cơ chế tự chủ, không lấy tiền lương từ Bộ Y tế. Ông kêu gọi không “giảm 10% biên chế cán bộ y tế” vì công việc nhiều, bệnh nhân ngày càng đông.

Về vấn đề bộ máy, con người, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ ủng hộ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Theo đó, các bệnh viện phải xác định vị trí việc làm, khung trình độ năng lực, từ đó Bộ phân cấp đến các tỉnh, thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, khi thu nhập của người được tuyển dụng vào thấp quá, họ sẽ chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Tới đây, chúng ta sửa đổi luật về viên chức thì phải tính đến vấn đề này”, Thứ trưởng Nội vụ nói. Bộ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài; Bộ cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có chế độ đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế.