Trường nghề biến “nguy” thành “cơ”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống trường nghề tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, biến “nguy” thành “cơ”, không ít trường đã nỗ lực tạo cơ hội cho mình từ việc thay đổi hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề thích ứng với từng hoàn cảnh.

Thi thực hành nghề tại Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thi thực hành nghề tại Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Khó khăn trong hoạt động tư vấn tuyển sinh

Hoạt động tuyển sinh đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu ở thời điểm sau khi học sinh cuối bậc THCS, THPT thi tốt nghiệp. Để có nguồn đầu vào chất lượng, tháng 3 và tháng 4 hằng năm là thời điểm “vàng” để các trường nghề tư vấn hướng nghiệp, tổ chức tuyển sinh. Hình thức kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thí sinh chủ yếu thông qua ngày hội tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các trường THCS, THPT hoặc hội nghị giáo dục nghề nghiệp do các sở, ngành, địa phương tổ chức. Tuy nhiên năm nay,  do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tư vấn, tuyển sinh trực tiếp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản tạm dừng. 

Bạn Trần Thị Trang (xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Em đã xác định đăng ký học nghề bếp, trình độ sơ cấp (SC) tại Trường cao đẳng nghề Văn Lang Hà Nội vào quý I - 2020. Sau khi học nghề, em sẽ mở cửa hàng ăn nhỏ tại địa phương. Do không biết bao giờ mới khai giảng các khóa đào tạo nghề mới tại các trường nghề để có thể học nghề theo dự kiến, nên em đã phải chuyển sang làm công việc khác”. 

Dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ đến mục tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), quý I hằng năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội thường tuyển sinh được từ 20.000 đến 40.000 lượt học viên. Thế nhưng, năm nay số người đăng ký học nghề trong ba tháng đầu năm không đáng kể. Năm 2020, mạng lưới 21 trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) công lập thuộc thành phố đặt mục tiêu tuyển 18.735 người (7.980 chỉ tiêu hệ CĐ, 10.755 chỉ tiêu hệ TC). Đến thời điểm này, các trường đã tuyển sinh được 2.514 người học trình độ CĐ, đạt 31,5% kế hoạch; 6.520 người học trình độ TC, đạt 60,6%... Tính chung, kết quả tuyển sinh của 21 trường nghề công lập từ đầu năm 2020 đến nay mới đạt 48,2% chỉ tiêu. 

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, việc tư vấn, tuyển sinh trực tuyến thu hút đông người tham gia do học sinh đang nghỉ học, nhiều lao động đang nghỉ làm, nên có thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, số người để lại thông tin để được tư vấn sâu hơn hoặc đăng ký tuyển sinh không nhiều, nhất là đối tượng học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS, THPT. “Người học còn “nghe ngóng” thời gian, kế hoạch tuyển sinh CĐ, ĐH sau khi có mốc thời gian chính thức, họ mới xác định con đường lập nghiệp cho bản thân”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết thêm. 

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội phản ánh: “Đời sống của nhiều người lao động, nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến một số người không thể học nghề. Chúng tôi nhận được đơn của một số gia đình đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được chậm đóng, giãn đóng học phí”. 

Còn ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường TC nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Theo tính toán, nhóm đối tượng này sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp và nhà trường sẽ rộng mở cơ hội tuyển sinh. Thế nhưng trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Dù khó khăn trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên, giai đoạn phòng, chống dịch được nhìn nhận là thời điểm thích hợp để những người có nhu cầu học nghề tự tìm hiểu, đánh giá xem bản thân phù hợp ngành, nghề nào. Khi đã xác định rõ điều đó, người học nên chủ động nộp hồ sơ dự tuyển, chuẩn bị hành trang để theo đuổi niềm đam mê.

Về phía các trường nghề, để thu hút thí sinh, một số trường đã đưa ra phương pháp tuyển sinh hấp dẫn, phù hợp nhu cầu của người học và thị trường lao động. Ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, nhà trường đã tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh trực tuyến với sự tham gia của đại diện nhà trường, doanh nghiệp, người học. Người tư vấn chủ yếu là học sinh, sinh viên, đại diện doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Cách tư vấn này tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin rộng rãi, nên trong thời gian tuyển sinh online, nhà trường đã nhận được gần 200 hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Theo dõi diễn biến của thị trường lao động, bà Phạm Thị Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội nhận thấy, trong tương lai gần, một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để có thêm cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Từ đó, trường đã điều chỉnh kế hoạch tư vấn, tuyển sinh. “Thay vì ưu tiên tuyển sinh hệ TC, CĐ, chúng tôi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ SC. Đối tượng chúng tôi hướng tới là người lao động mất việc làm, có nhu cầu đào tạo nghề”, bà Phạm Thị Hường cho hay.

Đứng trước khó khăn, nhiều trường nghề trên địa bàn Hà Nội đã chủ động biến “nguy”, thành “cơ” thông qua việc tích cực, chủ động đổi mới trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, thực chất. Nhờ vậy, chất lượng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là cơ sở để học sinh yên tâm lựa chọn học nghề là con đường lập thân, lập nghiệp.

Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, năm nay, nhà trường có nhiều thí sinh ứng tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Đáng mừng hơn, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng thí sinh đăng ký nhập học hệ TC, CĐ của nhà trường dịp này là hơn 600 học sinh, sinh viên, tăng ba lần so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số học sinh, sinh viên đã tuyển sinh từ đầu năm đến nay lên hơn 1.500 người, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. 

Tương tự, Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội đã tuyển sinh được hơn 800 chỉ tiêu, trong đó 254 chỉ tiêu hệ song bằng dành cho học sinh vừa tốt nghiệp THCS học văn hóa song song với học nghề (hệ 9+). Nhiều trường CĐ khác cũng có số lượng tuyển sinh bằng hoặc cao hơn so cùng thời điểm năm 2019. 

Công tác tuyển sinh ở nhiều trường TC cũng có kết quả khá tích cực. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Trường TC Nghề tổng hợp Hà Nội đã tuyển đủ 750 học sinh, tăng khoảng 15% so cả năm 2019. Trong đó, đối tượng khó tuyển sinh nhất là hệ 9+ chiếm đến 95% tổng số học sinh đang theo học tại cơ sở này. “Với số người đăng ký học nghề tăng, nhà trường đang đề nghị các cơ quan chức năng cho phép bổ sung chỉ tiêu, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Hiệu trưởng Trường TC Nghề tổng hợp Hà Nội Nguyễn Văn Bằng thông tin.

Nhập học tại Trường CĐ Nghề cơ điện Hà Nội vào ngày 5-9, tân sinh viên Khoa Công nghệ ô-tô Nguyễn Mạnh Trường (xã Hoàng Xá, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ba môn đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH của tôi đạt 26,6 điểm. Với số điểm này, tôi có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, nhưng tôi đã quyết định đi học nghề”. Còn sinh viên Cao Thế Sơn (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi có nguyện vọng làm việc tại Khu công nghiệp gần nhà nên theo học nghề sẽ mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp. Tôi quyết định theo học nghề để sớm có thu nhập cho bản thân và gia đình”.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, với sự nỗ lực, chủ động thích ứng của các trường nghề, đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh đạt 90% kế hoạch đề ra và chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu 156.000 người học nghề trong năm 2020. Kết quả này góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Hà Nội ước đạt cuối năm nay là 70,2% (cuối năm 2019 là 67,5%), đồng thời mở ra hướng đi mới cho giáo dục nghề nghiệp. Đó là ứng dụng công nghệ số từ khâu tư vấn, tổ chức tuyển sinh, đến quá trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho người học.

Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Trương Anh Dũng khẳng định, việc lựa chọn ứng tuyển vào các trường nghề của nhiều thí sinh là hướng đi đúng đắn. Trong những năm gần đây, gần 100% số người học nghề hệ TC, CĐ đều tìm được việc làm. Đặc biệt, nhiều nhà trường đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển.