Trang mới của người dân Thượng thành

Bao thế hệ sống trong “khu ổ chuột” ở khu vực Thượng thành giờ đây chỉ còn là chuyện của mấy mươi năm về trước. Những hộ dân đầu tiên đã chính thức rời mảnh đất di tích để đến làm chủ ngôi nhà của mình ở khu tái định cư cách đó không bao xa.

Những ngôi nhà đang thành hình từng ngày tại khu tái định cư.
Những ngôi nhà đang thành hình từng ngày tại khu tái định cư.

Từ “sống treo” trên đất di tích đến làm chủ ngôi nhà của mình

Những mái tôn cũ kỹ của hàng trăm ngôi nhà tạm bợ trên đất Thượng thành ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế từng nhấp nhô trên tường thành đang ngày càng vơi dần, biến mất khỏi mảnh đất di tích. Những cảnh làm mất mỹ quan di tích này không phải do chính quyền địa phương bắt buộc tháo dỡ, mà chính tay người dân tự nguyện đập bỏ căn nhà tạm bợ của mình, trả lại mặt bằng cho chính quyền để chuẩn bị dọn đến nơi ở mới khang trang hơn, rộng rãi hơn.

Rời khỏi nơi bao thế hệ sinh sống hàng chục năm qua trên đất Thượng thành, người dân được đền bù tiền bạc, dọn đến ở tạm nơi khác một thời gian và chứng kiến ngôi nhà của gia đình mình đang thành hình hài từng ngày ở các khu vực 1, 2 của khu tái định cư phía bắc Hương Sơ, TP Huế. Xen lẫn giữa hàng trăm ngôi nhà đang được xây dựng, có một số ngôi nhà đã hoàn thiện và đón những hộ dân Thượng thành đầu tiên đến sinh sống những ngày qua, chính thức kết thúc cảnh “sống treo” trên đất di tích, làm chủ ngôi nhà của mình.

Tháng 5 xứ Huế trời nóng nực, thế nhưng, bà Hoàng Thị Hồng (sinh năm 1968, ở TP Huế) vẫn cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn trong ngôi nhà mới xây trên diện tích đất tái định cư của gia đình mình. Bởi lẽ, dù trời có nắng nóng nhưng ngôi nhà vừa đón các thành viên trong gia đình bà đến ở hơn tuần nay vẫn rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều so ngôi nhà mọc tạm trên đất Thượng thành với ba thế hệ sinh sống.

Nhìn về ngôi nhà do gia đình mình làm chủ, bà Hồng tâm sự: “Ở chỗ cũ, vào mùa mưa thì ướt dột, mùa nắng chật chội và nóng nực. Khi được chuyển đến đây, chúng tôi thấy cuộc sống đỡ vất vả hơn, sau này con cái có tương lai hơn, lấy vợ lấy chồng có chỗ để ở”. Kể về hành trình 24 năm biến ước mơ thành hiện thực này, bà Hồng nhớ lại: “Sau khi gia đình tôi nhận được tiền đền bù và nhận đất, chúng tôi nhanh chóng xây nhà. Sau hơn một tháng thi công, ngôi nhà mới cũng đã được hoàn thành và đón chúng tôi đến ở”.

Cũng như ngôi nhà của bà Hồng, có nhiều ngôi nhà ở các khu vực 1, 2 cũng đã bắt đầu rộn tiếng cười và niềm vui hân hoan của người dân từng ở chốn Thượng thành đến đây sinh sống. Những ngôi nhà kiểu mẫu đã chính thức làm “nhân chứng” chứng kiến cuộc di dân lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh dấu cuộc đời sang trang mới của các thế hệ người dân sống ở đất di tích.

Có gần 40 năm gắn bó mảnh đất Thượng thành, cụ ông Lê Tâm Chủng (72 tuổi) cùng các thành viên trong gia đình đã đến nơi ở mới này được hơn 30 ngày. Những ngày đầu sinh sống ở đây, cụ ông này cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu nơi mảnh đất mới.

Trên diện tích 9,88 ha có tổng cộng 516 lô đất với tổng mức đầu tư hơn 116 tỷ đồng, ở khu vực 1 và 2, hàng trăm “tổ ấm” của người dân Thượng thành đang được những người thợ hồ xây dựng, hiện diện dần hình hài những ngôi nhà kiểu mẫu. Giữa trời nắng nóng, các thợ hồ đứng trên dàn thoăn thoắt bàn tay hoàn thiện nhà cho gia đình anh Nguyễn Đăng Trình. Vừa dùng chiếc xe rùa chở bê-tông để xây nhà cho gia đình mình, anh Nguyễn Đăng Trình (32 tuổi, ở đường Xuân 68, TP Huế) vui mừng thông báo: “Sau khoảng một tháng rưỡi xây dựng, còn khoảng 15 ngày nữa thì ngôi nhà của chúng tôi sẽ được hoàn thành, đón năm thành viên trong gia đình đến đây sinh sống”.

Ở khu vực Thượng thành hàng chục năm qua, các thành viên trong gia đình anh Trình sinh hoạt trong không gian chật chội. Thế nên, sau khi được cấp 100 m² đất ở khu tái định cư, gia đình anh nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc, vay thêm 100 triệu đồng để xây nhà. Chỉ tay về phía ngôi nhà của gia đình mình, anh Trình tâm sự: “Ra đây ở chúng tôi cảm thấy vui mừng, vì nơi đây có không gian rộng rãi, thoải mái, đỡ vất vả hơn”.

Xây dựng trường mầm non cho con em học tập

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế nhằm đưa hơn 4.200 hộ dân ra khỏi Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng. Đến nay, Thượng thành là khu vực di dời đầu tiên với 575 hộ dân đã được cơ bản bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chính quyền địa phương đã bố trí cho 340 hộ dân đủ điều kiện giao đất. Đồng thời, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt cho người dân yên tâm xây nhà. Trong đợt này, 25 hộ nghèo cũng được Nhà nước xây dựng nhà ở theo mẫu với hình thức “chìa khóa trao tay”.

Để phục vụ tốt nhất cho người dân khi đến nơi ở mới, ông Thọ cho hay: “Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ vận động nhiều nguồn để xây dựng nhà trẻ hiện đại, khu vui chơi giải trí và các tiện nghi khác”. Hiện thực hóa cho câu nói này, vào giữa tháng 5 này, công trình Trường mầm non Hương Sơ (giai đoạn 1) phục vụ cho đề án di dời dân cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã được khởi công.

Công trình này sẽ được xây dựng mới khối nhà học tập cao hai tầng, bố trí bốn phòng học, kho, vệ sinh khép kín; không gian sinh hoạt chung trong nhà, cầu thang, hành lang, sảnh đón kết hợp phòng thường trực bảo vệ theo tiêu chuẩn, diện tích sàn xây dựng 1.280 m²…

Ông Thọ chia sẻ: “Khi nhà cửa được ổn định, hạ tầng sinh hoạt được bảo đảm, con em được học tập trong môi trường an toàn, bà con mới yên tâm lao động, sản xuất, kinh tế mới dần ổn định, cuộc sống mới ngày càng đi lên…”.

Không chỉ bà con chốn Thượng thành, người dân sinh sống ở các khu vực Eo Bầu, Hộ Thành hào và Tuyến Phòng lộ cũng chuẩn bị được di dời đến nơi ở mới. Các khu vực này có hơn 1.100 hộ thu hồi đất, chính quyền địa phương đang thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng.

Để bảo đảm nơi ăn chốn ở cho người dân, ngoài khu vực 1 và 2 đang được người dân xây dựng nhà cửa, sáu khu vực còn lại thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc Hương Sơ đang thực hiện việc thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Trên công trường rộng lớn ở các khu vực 1, 2 đang nhộn nhịp tiếng máy móc, các hộ dân chốn Thượng thành đầu tiên trong số hơn 4.200 hộ dân “sống treo” trên đất di tích chính thức đến sinh sống tại khu tái định cư thoáng mát, khang trang hơn. Rồi đây, trong khoảng 5 năm nữa, hơn 4.200 hộ dân được đến nơi ở mới, người dân dần ổn định cuộc sống, bộ mặt đô thị di sản ở mảnh đất Cố đô Huế sẽ được chỉnh trang.

Trong một lần dẫn người dân Thượng thành đi xem nơi ở mới, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu quan điểm, khi xây dựng khu dân cư mới tại đây, nhà phải theo mẫu để có một đô thị đẹp, khang trang, xanh - sạch - sáng, một đô thị mới kiểu mẫu mang tầm quốc gia.