Tìm giải pháp tập thể dục an toàn

Lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu người dân tạm dừng các hoạt động tập thể dục, thể thao tại khu vực công cộng. Nhưng trong những ngày qua, một số người dân vẫn phớt lờ! Đành rằng tập thể dục đã trở thành nhu cầu thường nhật có lợi, nhưng trong hoàn cảnh dịch phức tạp, mỗi người cần tìm phương án tập an toàn, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. 

Đạp xe có thể là hình thức tập luyện phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Đạp xe có thể là hình thức tập luyện phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Lợi bất cập hại

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 5-5, UBND TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng một số dịch vụ và hoạt động tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao như các rạp, trung tâm chiếu phim, các cơ sở dịch vụ spa, massage, các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của thành phố. 

Thành phố cũng giao lực lượng chức năng tại các cơ sở vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; đồng thời có những biện pháp như lập đội tuần tra nhắc nhở, dựng hàng rào chắn tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên, nơi người dân thường xuyên tới tập thể dục thể thao. Theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, trong những ngày qua, tại Công viên Nghĩa Đô và Công viên Thống Nhất, các cổng chính và cổng phụ đều đóng nên người dân không thể vào trong. Thay vào đó, một số người lựa chọn tập thể dục ở vỉa hè ngoài cổng. Hầu hết mọi người đều chủ động đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. 

Tuy nhiên, tại Công viên Indira Gandhi (Láng Hạ) vào thời điểm khoảng hơn 5 giờ sáng, vẫn còn một số người tranh thủ khi các lực lượng chức năng chưa tới, trèo vào công viên tập thể dục và chơi thể thao, thậm chí không ít người tháo hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Bà Trương Thị Bích Loan, người dân sống tại Nam Thành Công, quận Đống Đa, nói: “Tôi tập thể dục đã thành thói quen lâu năm, nếu không tập thấy mỏi người lắm! Lúc nghe tin công viên đóng cửa, khi đi ra thì thấy nhiều người cũng lách hàng rào để vào nên tôi tranh thủ đi theo tập chút”. 

Tình trạng này phổ biến nhất trong buổi sáng sớm, còn vào các buổi chiều, do sự sát sao của lực lượng chức năng nên không còn tình trạng “vượt rào”. Ngoài ra, khi các công viên lớn đóng cửa, người dân có xu hướng tìm đến các sân tập nhỏ hơn trong khu chung cư, khu tập thể. Điều này thật sự khiến các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, nhắc nhở. Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Công an phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết: “Trong thời gian tới, công an phường tiếp tục đi tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện phòng, chống dịch. Nếu một số đối tượng cố tình vi phạm thì công an phường sẽ có biện pháp xử lý”. 

Vui khỏe nhưng phải an toàn

Ngoài các phương thức tập thể dục an toàn tại nhà, việc tập bằng xe đạp có thể coi là phương pháp nâng cao sức khỏe ngoài trời tương đối an toàn hiện nay. Trước hết, xe đạp là môn thể thao phù hợp nhiều lứa tuổi, từ thanh niên cho tới người cao tuổi. Lợi ích về sức khỏe từ xe đạp là không phải bàn cãi, nhưng cùng với việc đeo khẩu trang, phương thức vận động này còn giúp người dân hạn chế tiếp xúc gần hoặc tập trung đông người. 

Thực tế đã được chứng minh trong thời gian gần đây, lượng người thuê xe đạp đi tập thể dục đã tăng mạnh, đặc biệt là ở khu vực hồ Tây. Trước đó, dịch vụ thuê xe đạp là một hình thức trải nghiệm tham quan rất phổ biến ở hồ Tây dành cho du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là ngành dịch vụ hiếm hoi sống sót và vẫn tăng đều lượng khách bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh Ngô Hiệu, quản lý cửa hàng cho thuê xe đạp Bike Plus (96B phố Yên Hoa, Yên Phụ, Tây Hồ) cho biết: “Hiện tại, cửa hàng nhà mình có khoảng 60 xe, phục vụ các đối tượng khách thích trải nghiệm thể thao hoặc tập thể dục. Mỗi xe thuê có giá khoảng 80 nghìn đồng/ngày. So với trước dịch, lượng người thuê xe sau dịch đã tăng khoảng 20 - 30%. Các ngày trong tuần, lượng người đặt mỗi ngày nhiều nhất vào buổi chiều với khoảng 6 - 8 xe, đặc biệt vào cuối tuần có lúc tới 20 - 30 xe. Theo như khách chia sẻ, mọi người được nghỉ nhiều vì dịch, chủ yếu làm việc tại nhà nên nhu cầu tập thể dục bằng xe đạp tăng hơn”.

Khi bắt đầu vào hè, anh Nguyễn Văn Hùng, quản lý tại cửa hàng Bike Store (số 3 Trúc Bạch, Ba Đình) cũng bận rộn hơn, đặc biệt vào những ngày cuối tuần và ngày lễ. Cửa hàng mở cửa từ 5 giờ sáng đến tối muộn, tuy nhiên nhu cầu thuê xe chủ yếu vào sáng sớm hoặc chiều tối, mỗi ngày trung bình từ 50 - 60 xe. Trừ chi phí đầu ra, có những ngày anh Hùng thu về vài triệu đồng. Để bảo đảm xe hoạt động tốt, cửa hàng anh phải thuê thêm ba thợ sửa chữa. Cứ sau một chuyến đi của khách, thợ phải kiểm tra từng bộ phận, sửa chữa hoặc bảo dưỡng nếu có hỏng hóc. “Khách thuê xe đạp tại cửa hàng chúng tôi chủ yếu là các khách gia đình tập thể dục, hoặc khách trẻ thuê xe cho các chuyến dã ngoại trong phố cổ, hồ Tây, thậm chí lên tận vùng núi. Bởi vậy, anh em thợ phải bảo đảm xe vận hành trơn tru khi giao cho khách”, anh Hùng cho biết thêm.

Chia sẻ về phương pháp tập thể dục bằng xe đạp, bà Lê Phương Thảo (57 tuổi) sống tại Trích Sài, Tây Hồ nói: “Mặt bằng chung giá cho thuê xe đạp khá rẻ nên tôi cùng chồng thường xuyên thuê xe đạp quanh hồ. Buổi chiều sau khi đi làm về, chúng tôi vẫn duy trì hai vòng đạp xe. Dịch đang phức tạp nên lượng người đi bộ tập thể dục ở quanh hồ Tây cũng vắng hơn nhiều so ngày thường. Cá nhân tôi thấy đây là một hình thức tập thể dục thay thế đi bộ, vì nó vừa rèn luyện sức khỏe, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch hơn”.