Tìm cây trồng phù hợp cho Mường Lát

Gần thập niên qua, người dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư, hỗ trợ trồng 
16 nghìn ha rừng, trong đó xoan là cây trồng chủ đạo. Nhưng cây xoan phát triển chậm, nhiều cây bị sâu bệnh, dần khô ngọn đến thân, rồi chết…

Cây xoan trên đất đồi núi huyện Mường Lát.
Cây xoan trên đất đồi núi huyện Mường Lát.

Cây xoan phát triển chậm

Cuối tháng 3, hoa xoan rụng, lứa lá mới điểm xanh trên cây xoan nổi nốt sần, những vạt xoan bên ta-luy QL 15C phát triển chậm. Sau nhiều năm trồng xoan trên đất đồi, núi ở huyện Mường Lát, người dân dần chú trọng trồng rừng. Dẫu vậy, trên thân nhiều cây xoan đã năm tuổi nổi nốt sần, nứt vỏ, cành xoan dần khô từ ngọn xuống, trổ lá thưa trên những cành xoan thấp. Anh Vàng A Chồng, ở bản Khằm 1, xã Trung Lý cho hay, gia đình anh trồng 1,7 ha xoan, trong đó có 1 ha xoan trồng từ năm 2012, phát triển chậm, khô, dần chết khoảng 80%. Định thu hoạch xoan bán, rồi trồng cây đào nhưng thân cây xoan nhỏ quá, không ai mua. 0,7 ha xoan trồng năm 2015 trở lại đây, hiện phát triển chững lại. Trên này đất cằn cỗi, độ dốc lớn, cây lát cũng phát triển chậm, nông hộ chăm sóc có hạn, không bón phân, không có tập quán, điều kiện đầu tư thâm canh rừng trồng, anh Chồng thông tin thêm.  

Giàng Seo Trố, Trưởng bản Khằm 2, xã Trung Lý trao đổi: Khi thăm dò, người dân đề nghị trồng vầu, luồng nhưng lúc thực hiện, ban quản lý dự án cung cấp chủ yếu cây xoan cho các hộ trồng rừng. Bản Khằm 2 có 88 hộ, bình quân mỗi hộ trồng hơn 1 ha xoan. Cây xoan đào cấp theo dự án trồng rừng hiện phát triển chậm, có diện tích xoan gần 10 năm tuổi nhưng thân chỉ to bằng bắp tay, bắp chân, nhiều cây xoan bị chết khô. Một ha xoan của gia đình anh cũng phát triển chậm, bị chết khoảng 50% nhưng đường kính cây xoan bé, bán không có người mua, chỉ có thể khai thác làm củi. Nông hộ muốn chuyển đổi xoan sang trồng đào, mận hoặc luồng, vầu, cây dược liệu.

Bên đoạn đường bê-tông dẫn về khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát có hộ gia đình ở Nà Nam chặt, hạ xoan để trồng sắn, chuối. Trên diện tích khoảng 1 ha, những cành, cây xoan bị chặt, cưa đổ, cắt thành khúc; một số cây xoan mục lõi, có lỗ rỗng từ thân đến cành. Ông Lò Văn Hằng phàn nàn, gia đình cũng trồng xoan dọc bên suối nhưng phát triển chậm, thân xoan có lỗ rỗng nên không trồng nữa. 

Bên đường vào khu tái định cư bản Chim ở xã Nhi Sơn, nhiều cây xoan nổi các nốt sùi trên thân, cành ngọn bị khô, không ra lá. Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn Thao Duy Lênh bộc bạch, có những cây xoan bị khô, rồi chết nhưng chưa có khảo sát chi tiết, điều tra tỷ lệ cây chết là bao nhiêu. Một số hộ muốn thu hoạch xoan nhưng đường kính cây quá bé sau chín năm đứng chân trên đất dốc, lại xa trục giao thông nên chi phí thu hoạch cao, thương lái không thu mua. Các cơ quan chức năng cũng chưa đánh giá hiệu quả trồng xoan trên địa bàn huyện Mường Lát nên cấp ủy, chính quyền cơ sở lúng túng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ năm 2011 đến 2016, toàn huyện Mường Lát trồng được 16 nghìn ha rừng, trong đó xoan là cây trồng chủ yếu đứng chân trên đồi, núi dốc, đất sau nương rẫy. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát Trần Ngọc Thắng thẳng thắn: Cây xoan mới trồng sinh trưởng, phát triển nhanh trong hai - ba năm đầu, đến giai đoạn khép tán cây phát triển chậm lại. Nguyên nhân là do nhiều hộ chưa chú trọng đầu tư thâm canh rừng trồng, cây xoan không phù hợp lắm với thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu ở huyện Mường Lát nói chung và mỗi xã nói riêng. Có hiện tượng cây xoan bị chết nhưng tỷ lệ chết khoảng bao nhiêu chưa có đánh giá. Nông hộ vẫn chặt tỉa, thậm chí có hộ thu hoạch trắng rừng xoan và trong năm 2020 toàn huyện Mường Lát thu hoạch 344 m3 gỗ xoan.

Tìm cây trồng phù hợp cho Mường Lát -0
Người dân phản ánh lõi xoan bị mục.

Không thiếu cây nhưng cần hướng dẫn chặt chẽ

Lên Mường Lát vụ xuân này, chúng tôi bắt gặp chiếc xe ô-tô chở các loại cây ăn quả bán cho nhân dân trên địa bàn huyện. Người mua cây hồng xiêm, có thanh niên mua mươi cây nhãn đem về trồng trong vườn hộ. Trên vạt rừng ở xã Tén Tằn cũ có nhiều cây trẩu phát triển nhanh, đang ra hoa. Cây trẩu dễ trồng, ít chăm sóc, thương lái mua 6.000 đồng/kg quả trẩu nên một số hộ dân khu vực này gieo hạt trẩu khoảng tháng 10 năm trước, rồi phát, đốt thực bì cho cây sinh trưởng, phát triển. 

Đến bản Ón ở xã Tam Chung chúng tôi được biết nhiều năm qua, người dân trong bản chủ động mua, trồng cây ăn quả  trong vườn hộ. Trưởng bản Giàng A Chống cho hay: Chi ủy khuyến khích nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Gia đình anh cùng nhiều hộ tự trồng khoảng 50 cây nhãn, mận, bưởi, cam chung quanh nhà mỗi gia đình. Hiện, nhãn anh trồng đã ra hoa, mận đang bói quả và anh đặt mua thêm giống cây dổi để trồng trong vườn.

Ở xã Nhi Sơn, một số hộ gia đình mua hoặc lấy giống vầu tự nhiên đem trồng trên đất sau nương rẫy, bên ta-luy âm QL 15C. Những cây vầu trồng được sáu năm đã phát triển thành bụi lớn, cây mới trồng hơn một năm hiện phát triển tốt, đâm chồi, đẻ nhánh. Thao Văn Chứ ở bản Kéo Hượn cùng anh trai sang huyện Quan Sơn mua giống vầu đem về trồng thử nghiệm trên đất xã Nhi Sơn. Dành thời gian xới đất, vun gốc, phát cỏ, cây vầu hiện sinh trưởng, phát triển trên diện tích anh từng trồng chuối. Năm nay, Kiểm lâm huyện Mường Lát cùng xã Nhi Sơn định trồng 50 ha vầu nhưng thảm xoan phát triển chậm, chưa đạt sinh khối gỗ để khai thác, trồng vầu. Hai bên suối Sâu thuộc bản Táo, xã Trung Lý hiện có gần 2.000 ha vầu do cộng đồng quản lý, bảo vệ, tổ chức khai thác, đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm. Rừng vầu này được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ, hưởng lợi tiền dịch vụ môi trường rừng. Cộng đồng thống nhất phân bổ 50% nguồn Nhà nước hỗ trợ chi cho công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng; 30% đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng trong bản; 20% tạo quỹ hội phụ nữ cho hội viên vay phát triển kinh tế hộ. Theo nhiều cán bộ, người dân ở huyện Mường Lát, cây vầu có thể trồng, nhân rộng ở khu vực xã Trung Lý, Nhi Sơn. Hai bên đường từ bản Lát, xã Tam Chung đi xã Mường Lý từng có cây thông trồng từ thời Pháp, đã khai thác và khi phát thực bì, người dân vẫn thấy thông tái sinh. Các loài cây ăn quả, cây dược liệu cũng có thể trồng, nhân rộng ở khu vực này. Tỉnh Thanh Hóa cần cập nhật quy hoạch, sớm đầu tư khoảng 6 km đường từ xã Mường Lý, huyện Mường Lát sang xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nối thông với hạ tầng giao thông phía bạn đã đầu tư, nhất là kết nối với vùng trồng cây ăn quả, cơ sở thu mua, chế biến phía bạn, thúc đẩy Mường Lát chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca đánh giá: Sau nhiều năm triển khai, các dự án trồng rừng ở Mường Lát đã chuyển đổi tâm lý lợi dụng vốn rừng sang chú trọng trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ thực vật ở Mường Lát đã đạt hơn 76% và nhiều năm qua trên địa bàn không xảy ra cháy rừng diện rộng như thời kỳ mới thành lập huyện. Mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng huyện Mường Lát đánh giá hiệu quả cây xoan cùng các loại cây trồng trên địa bàn huyện thời gian qua. Trên cơ sở đó đề xuất cơ cấu cây trồng trên diện tích xoan bị chết, gợi mở hướng đi mới, đường hướng phát triển nghề rừng bền vững cho huyện vùng cao biên giới. Quan điểm của huyện là ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ kết hợp lịch sử cây trồng trên vùng đất Mường Lát trong phát triển nông, lâm nghiệp. 

Chi cục trưởng Kiểm lâm Thanh Hóa Mai Hữu Phúc chia sẻ nhận thức về những loài cây bản địa ở Mường Lát như thông, sa mu, tếch, sến, dổi, đinh hương, sa mộc và nhấn mạnh, mục tiêu đề ra là trồng rừng gỗ lớn ở Mường Lát. Huyện cần chủ động khảo sát, đánh giá hiệu quả trồng xoan, điều tra đất đai, thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu mỗi địa phương. Nguyên nhân chủ quan khiến cây xoan phát triển chậm là do người dân trồng xoan, lát mật độ từ 2.500 - 3.000 cây/ha, trong khi kỹ thuật hướng dẫn trồng từ 1.300 - 1.500 cây/ha và người dân không có tập quán thâm canh rừng trồng. Theo đó, cần tỉa thưa, thu hoạch những cây xoan bị sâu bệnh, đã chết, tiếp tục chăm sóc những cây xoan còn lại và có thể trồng xen, tra dặm những cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu ở mỗi xã.