Tiến về phía đông

Sau khi Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương thành lập “Thành phố Thủ Đức” thuộc TP Hồ Chí Minh, cùng với sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền và người dân, đã thấy được con đường để TP Hồ Chí Minh tiến mạnh về phía “cửa ngõ phía đông” đã rộng mở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về kinh tế và kiến trúc đô thị, để thành phố mới phát triển xứng tầm, bảo đảm được kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm. 

Khung cảnh, điểm nhấn của khu Đông.
Khung cảnh, điểm nhấn của khu Đông.

“Cú huých” cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh

Theo đề án, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại ba quận ở phía đông TP Hồ Chí Minh gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Khi đó, TP Thủ Đức mới sẽ có diện tích hơn 211 km², dân số khoảng hơn một triệu người, bằng 10% diện tích và chiếm khoảng 10% dân số toàn TP Hồ Chí Minh. Việc sắp xếp lại các quận này dựa trên tiềm năng, lợi thế chung của cả ba quận.

Với vị trí là cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức có được rất nhiều lợi thế vốn có về hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với các tuyến đường chính như quốc lộ 13, đường xuyên Á (quốc lộ 1A), Xa lộ Hà Nội, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây... Đây là vùng kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước với hàng trăm khu công nghiệp lớn hàng đầu được tập trung về đây. Đặc biệt, nơi đây có những trục đường xuyên tâm kết nối từ bắc đến nam, đông đến tây TP Hồ Chí Minh. Đồng thời với đó là sự gắn liền với các tuyến hàng hải quốc tế như cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải và Cụm cảng biển số V, chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước. Gần đây nhất, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua và đi vào triển khai thực hiện dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, kết nối trực tiếp với TP Thủ Đức, tuyến Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, Xa lộ Hà Nội... sẽ là động lực rất lớn để thúc đẩy kinh tế. 

Tuy vậy, một trong những điểm đặc biệt được các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ là lợi thế rất lớn để TP Thủ Đức có thể phát triển và đạt được những kỳ vọng với ba trục chủ lực về công nghệ, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới. Đó là khu công nghệ cao - SHTP (quận 9) rộng 913 ha, hiện đã lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ đồng. Năm 2019, SHTP có giá trị sản xuất khoảng 15 tỷ USD và xuất khẩu 14 tỷ USD (chiếm một phần ba tổng giá trị xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh). Trong giai đoạn 2016 - 2020, SHTP cũng phát triển mạnh mẽ khi có giá trị xuất khẩu ước đạt 70 tỷ USD, tăng hơn năm lần so giai đoạn trước. Hiện, TP Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng SHTP mở rộng 195 ha, cách SHTP hiện tại khoảng 2 km. Nơi này còn có Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với diện tích khoảng 643 ha, có hơn 10.000 giảng viên, trong đó hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100.000 sinh viên. Cùng với đó là khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng khoảng 657 ha, với chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và dân cư hiện đại. Ngoài ra, nơi đây cũng được kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ như tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng…

Ba trục chủ lực này đang hy vọng tạo nên một TP Thủ Đức là đô thị thông minh, sáng tạo, có tính tương tác cao. Đó là sự tương tác giữa con người với công nghệ, con người với con người, chính quyền và người dân thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh. Theo kỳ vọng, nơi đây sẽ hình thành nên một trung tâm lớn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và đóng góp khoảng 30% GDP của TP Hồ Chí Minh.

Theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh, đô thị thành phố khu đông giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của thành phố trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh, có môi trường trong lành hơn... Không chỉ người dân các quận 2, 9, Thủ Đức hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp thành phố có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn. Sự hình thành một “Thành phố trong Thành phố” là phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch chung mà hiện nay TP Hồ Chí Minh đang làm. Thực tế, trước đây TP Hồ Chí Minh đã chia thành nhiều phân khu khác nhau như Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu nam thành phố, Khu tây bắc Củ Chi và Khu đô thị cảng Hiệp Phước nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả cao, chưa đáp ứng được điều kiện phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Tập trung cho quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị

Đến thời điểm này, Đề án TP Thủ Đức mới được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng tại đây đang có những bước xáo trộn cả khu vực, kéo theo không ít hệ lụy như thị trường bất động sản bắt đầu tăng giá, người dân đổ về tìm mua đất khiến thị trường có nguy cơ “bong bóng” trở lại, đời sống của người dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để TP Thủ Đức thật sự phát triển đúng tầm thì một trong những điều kiện đầu tiên cần được chú trọng là quy hoạch. Đây luôn là vấn đề rất lớn, quy hoạch phải đặt lợi ích của xã hội, người dân lên trước. 

Với TP Thủ Đức đây là khu vực đang có rất nhiều cơ hội để phát triển đô thị mới, khi quỹ đất vẫn còn nhiều, trải đều ở cả ba quận và đồng thời đây luôn là điểm nóng trong phát triển đô thị. Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của quận Thủ Đức, đất nông nghiệp còn đến hơn 438,2 ha; kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận 2, đất nông nghiệp còn hơn 340,5 ha; riêng đối với quận 9, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019 thì đất nông nghiệp còn hơn 2.688,7 ha. Một chuyên đề về quy hoạch cho rằng: Với diện tích đất nông nghiệp như hiện nay thì cần phải có định hướng, kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng xây dựng đô thị theo kiểu nhỏ lẻ. 

Thực tế, việc nâng cấp và phát triển hạ tầng tại khu vực cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh cũng đang cần một nguồn lực rất lớn. Ngay trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách, riêng tiền giải phóng mặt bằng hơn 850 tỷ đồng. Đồng thời đầu tư dự án nút giao thông Mỹ Thủy với tổng số vốn gần 2.400 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thiện sẽ giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang bàn phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đây được xem là “cú huých” rất quan trọng để thành phố thực hiện nhanh chiến lược phát triển những khu đô thị vệ tinh và quy hoạch vùng đô thị mở rộng hướng đông. Theo tính toán ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư (gồm cả chi phí đền bù giải tỏa) lên gần 9.000 tỷ đồng. 

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Hạ tầng giao thông đô thị của khu đông đặc biệt được thành phố chú trọng đầu tư nhằm hoàn chỉnh kết nối, đón đầu cho TP Thủ Đức trong thời gian tới. Theo ông Phúc, Ban Quản lý đang gấp rút thúc các quận, huyện nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện các dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 và hầm chui, cầu vượt trước khu vực Bến xe Miền Đông. Tiếp đến, loạt công trình như mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, cầu Thăng Long, cầu Công Lý… sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2022. Giai đoạn 2023 - 2025, nhiều dự án trọng điểm như khép kín đường vành đai 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, nút giao An Phú… cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng quận 2, quận 9, Thủ Đức về trung tâm TP Hồ Chí Minh.