Thúc đẩy việc làm sau mùa dịch

Khi đại dịch Covid-19 cơ bản được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất thì vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết việc làm, bảo đảm số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động.

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã chủ động kết nối trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Ảnh: NAM ANH
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã chủ động kết nối trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Ảnh: NAM ANH

Xúc tiến nhiều kênh tuyển dụng

Hiện tại, nhiều trung tâm việc làm đang triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp (DN) để giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ) sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội đã chủ động thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và kết nối việc làm trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đăng ký tuyển dụng, NLĐ đăng ký tìm việc trên hệ thống sàn giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội bao gồm: Sàn chính tại 215 Trung Kính và 14 sàn, điểm GDVL vệ tinh. Bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp và hệ thống phỏng vấn online, website: vieclamhanoi.net, các trang fanpage, của trung tâm, các sàn, điểm GDVL vệ tinh… tính đến hết tháng 4-2020, số DN đăng ký tuyển dụng với hệ thống sàn GDVL Hà Nội là 2.077 DN, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 22.499 chỉ tiêu. Trung tâm đã kết nối, hỗ trợ về tuyển dụng cho 1.472 DN; tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động cho hơn 17 nghìn lượt NLĐ, kết nối việc làm cho hơn chín nghìn lượt người.

Dự kiến về thị trường việc làm tháng 6 và tới đây, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, Trung tâm tiếp tục khai thác các vị trí việc làm trống để cung cấp thông tin cho NLĐ, giúp hai bên gặp nhau. Trong tháng 6, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, hoạt động kinh tế sôi động trở lại tác động tích cực tới thị trường lao động. Do vậy, theo ông Thảo, nhu cầu tuyển dụng của khối DN trong các tháng tiếp theo có thể lớn. Về phía NLĐ, khi tình hình giao thông thuận tiện sẽ có nhu cầu kiếm việc làm rất cao. “Những ngành nghề được tuyển dụng nhiều lao động là sản xuất, thương mại - dịch vụ. Nếu hoạt động kinh tế phát triển tốt trở lại thì lĩnh vực dịch vụ vô cùng sôi động, sẽ cần nhiều nhân lực”, ông Thảo nói.

Ông Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Chúng tôi đã kết nối với các DN có nhu cầu tuyển dụng LĐ theo các ngành nghề. Hiện các công ty, DN đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động và họ đang nhờ trung tâm làm cầu nối giới thiệu NLĐ vào làm việc ngay”. Theo ông Phùng, để thực hiện tốt chức năng giúp cung - cầu lao động gặp nhau, các câu lạc bộ (CLB) kết nối thanh niên công nhân của Trung tâm sẽ thông tin tình hình tuyển dụng của các công ty, DN ở địa phương đến các bạn trẻ chưa có việc làm theo từng khu vực huyện, thị. Khi NLĐ có nhu cầu làm việc ở lĩnh vực, ngành nghề gì thì CLB sẽ liên hệ để NLĐ gặp gỡ trực tiếp với bộ phận tuyển dụng của DN.

CLB này còn có nhiệm vụ kết nối với trung tâm giới thiệu việc làm của một số tỉnh, thành phố khác để làm cầu nối cho NLĐ các tỉnh có nhu cầu về Bình Dương làm việc theo đúng ngành nghề họ cần. NLĐ có nhu cầu, liên hệ địa chỉ: NA7, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương.

Tại khu vực kinh tế đầu tàu cả nước, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các quận, huyện đoàn, các khu chế xuất, khu công nghiệp để giới thiệu việc làm cho thanh niên sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”. Theo ông Sang, trung tâm nhờ các quận, huyện đoàn lên danh sách những thanh niên, người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, nguyện vọng của họ ra sao. Sau đó, trung tâm sẽ kết nối với từng công ty, DN đang cần để giới thiệu cho NLĐ theo đúng lĩnh vực, vị trí mà họ đang cần. Ngay trong tháng 5 này, trung tâm dự kiến sẽ tìm khoảng 10.000 việc làm để giới thiệu cho thanh niên.

Ông Sang thông tin thêm: “NLĐ có nhu cầu việc làm, liên hệ tìm việc trực tiếp tại văn phòng của trung tâm ở hai địa chỉ: 4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1 hoặc 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp. Ở những nơi này chúng tôi luôn có rất nhiều nguồn việc để giới thiệu miễn phí”.

Hiện tại, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận khoảng 2.000 việc làm từ hơn 300 đơn vị, DN với nhiều vị trí khác nhau dành cho sinh viên. Có rất nhiều công việc bán thời gian cần sinh viên vào làm ngay, với mức thu nhập dao động từ 22.000 - 50.000 đồng/giờ. Còn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh, hết cách ly xã hội, trung tâm tiếp nhận khoảng 1.000 công việc cho người trẻ như: nhân viên bán hàng, nhân viên marketing, các ngành nghề quản lý, nhân viên kinh doanh… với mức lương trung bình 5,5 - 15 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, các công ty tuyển dụng việc làm tư nhân có hàng nghìn đầu việc cho lao động trẻ khi hết cách ly xã hội và được miễn phí khi tạo hồ sơ xin việc. Chị Vương Bảo Ngọc, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng - Công ty CP Việc Làm 24h cho biết, sau khi hết cách ly xã hội, tình hình đi tìm việc đã sôi động hơn trước. Hiện có khoảng hơn 1,5 triệu hồ sơ sẵn sàng tìm việc, hơn 15.000 hồ sơ cho doanh nghiệp tuyển dụng truy cập miễn phí với các ngành nghề…

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group cho biết, hiện đang có hàng nghìn công việc tuyển dụng trực tuyến trên trang tuyển dụng VietnamWorks.com khi hết cách ly xã hội như: tài chính, đầu tư, bán hàng, IT - phần mềm, marketing, kế toán, điện - điện tử, ngân hàng, dây chuyền - sản xuất, thư ký, cơ khí.

Thúc đẩy việc làm sau mùa dịch ảnh 1

Khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động. Ảnh: TTXVN

Người lao động cần làm mới mình

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội chia sẻ, sau giai đoạn giãn cách xã hội, có nhiều LĐ đi tìm việc nhưng với mong muốn chuyển sang một việc làm mới. Về vấn đề này, ông Thảo khuyến cáo, NLĐ cần cân nhắc kỹ vì thời điểm dịch bệnh xảy ra không thể coi là cơ hội để thay đổi công việc khi NLĐ chưa chuẩn bị tốt các kỹ năng cho ngành nghề mới. “Khi NLĐ mất việc, muốn tái hòa nhập thị trường việc làm với tư thế và kỹ năng tốt hơn thì phải thông qua đào tạo. Nhưng trong thời điểm này, công tác đào tạo kỹ năng không phải là điểm mạnh của thị trường”, ông Thảo phân tích.

Thực tế, NLĐ còn chưa thật sự quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ học nghề sau khi thất nghiệp. Trong những năm qua, Trung tâm DVVL Hà Nội đã có những biện pháp để bảo đảm 100% LĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng LĐ đăng ký học nghề còn chưa cao so với số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, các bạn phải luôn tự trau dồi kiến thức và trình độ, đầu tư vào học tập, rèn luyện kỹ năng thông thạo để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà DN có thể nhìn thấy”, ông Thảo đưa ra lời khuyên.

Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện bản Dự thảo Kế hoạch sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để trình Chính phủ. Có một thay đổi lớn có lợi cho NLĐ là nếu như trước đây, mức hỗ trợ học nghề là một triệu đồng/người/DN và thời gian hỗ trợ là ba tháng, thì nay Bộ đã đề xuất tăng thời gian thụ hưởng lên sáu tháng và mức hỗ trợ tăng gấp đôi là hai triệu đồng/tháng. Ước tính, hiện có khoảng 13,5 triệu người tham gia BHTN và dự kiến khoảng 500 nghìn đến 1,5 triệu NLĐ được tham gia bồi dưỡng, đào tạo nghề.

Giám đốc một DN lớn về phần mềm ở khu vực phía bắc chia sẻ: “NLĐ bắt buộc phải đào sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nâng tầm chất lượng lên cao hơn để cạnh tranh. Ngoài việc học lý thuyết ở trường ra, phải mạnh dạn, tự tìm cơ hội để được tham gia trải nghiệm, thực tập, cọ xát thực tế nhiều hơn ở trong và ngoài nước. Ngoài kiến thức chuyên môn thì nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách sẽ là tiêu chí mà nhà tuyển dụng chọn lựa bạn. Bạn phải rèn luyện điều này bằng cách tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mang tính xã hội, các trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp trước khi ra trường”.

Còn một đơn vị tuyển dụng có tiếng tại TP Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí, NLĐ phải tự nhận thức về bản thân, có kỷ luật tốt về thời gian, quy định làm việc. “Các bạn muốn có cơ hội việc làm tốt thì phải luôn nâng cấp bản thân, đầu tư vào học tập, kiến thức, kỹ năng để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà DN có thể nhìn thấy. Ngoài ra, NLĐ phải luôn có những sáng tạo về phương thức làm việc, cải tiến quy trình rút ngắn thời gian, gia tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm”, đơn vị này khuyến cáo.