Thong dong nghề “thả lừ” ở Đông Luật

Khác với những nhọc nhằn vốn có của nghề biển, nhất là đối với ngư dân vùng biển bãi ngang. Nhiều hộ dân thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn thong dong với nghề biển và có cuộc sống ổn định với việc “thả lừ”.

Ngư dân thôn Đông Luật ra khơi “thả lừ”.
Ngư dân thôn Đông Luật ra khơi “thả lừ”.

Khúc bình minh trên biển

Để thỏa mãn mong muốn trải nghiệm ra khơi cùng ngư dân, anh Nguyễn Thành Luân ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã lấy xe xuôi đồng bằng cùng tôi đến Đông Luật từ buổi chiều hôm trước. Mong ước thử làm ngư dân đã khiến Luân khó ngủ. 3 giờ sáng, anh Hồ Sỹ Dưỡng, sinh năm 1974 ở thôn Đông Luật đã lục đục chuẩn bị một số ngư cụ để ra khơi. Hơn 30 năm bám biển, sóng gió đối với anh là cả sự sống, muối biển đã hằn lên da thịt anh.

Tiếng gà buổi mai ở miền quê biển khiến chúng tôi cảm nhận được sức sống ngày mới. Đặt mấy chục chiếc lừ lên xe kéo, anh Dưỡng giục chúng tôi “đi nhanh lên, ra biển sớm chừng mô mát chừng đó, trong đoàn có người mô say sóng không”. Đã trải nghiệm nhiều, với sóng nước mênh mông trên biển, từng lênh đênh ngày này sang ngày khác nên việc ra khơi đối với chúng tôi chẳng mấy nhọc nhằn. Nhảy lên chiếc thuyền nan, mấy ngư dân lực điền đẩy thuyền ra khơi.

Ở biển, bình minh đến sớm, khi thuyền chúng tôi chạy được một quãng là từ đằng đông mầu cam ram rám nổi lên. Nhiều mầu sắc trộn lẫn vào nhau và biến chuyển một cách nhanh chóng. Từ những chiếc thuyền lướt đi tù mù trong đêm, chúng dần sáng khi đi được vài trăm mét. Từ trong ánh sáng buổi sớm mai trên biển như vũ khúc của bình minh, con người trở nên rạng rỡ hơn. Anh Dưỡng nhắc chúng tôi ngồi đúng vị trí để thuyền khỏi chông chênh, để con sóng rẽ đôi và chúng tôi cứ thong dong lướt về phía trước. Con trai anh Dưỡng, em Hồ Sỹ Dũng, sinh năm 1999, sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng vừa mới về nhà đã theo bố ra khơi. Nhìn đôi mắt Dũng và cánh tay thoăn thoắt của em, chúng tôi biết Dũng đã chờ đợi bao lâu được ra biển.

Hơn 5 giờ sáng, những tia sáng mầu vàng nứt ra từ phía đằng đông. Và từ đó từng khối mầu kết nối vào nhau nâng ánh bình minh lên trên mặt nước. Đoạn này anh Dưỡng cho thuyền chạy chậm hơn để chúng tôi được ngắm hết ánh bình minh. Từ trên mặt nước, từng chiếc bình nhựa được sử dụng làm phao đánh dấu. Rồi từng đốt sáng hòa vào không gian sớm mai, nhìn lên trời cả một khung cảnh đa sắc. Nhìn xuống biển lấp lánh nước, lấp lánh những con thuyển ra khơi. Cả mặt người cũng tràn trề sự sống. Chúng tôi nhìn chăm chăm, khi Dũng bắt đầu đặt tay nhấc chiếc phao đầu tiên. Ở đó, chiếc lừ được từ từ nhấc lên khỏi mặt nước và những con mực xanh quẫy lên trong ánh bình minh.

Biết làm thì sống khỏe!

“Lừ”, là tên gọi một ngư cụ, nó được làm bằng vật liệu chủ đạo là tre nứa, dây nylon và một ít phụ kiện. Để hình thành một chiếc lừ không mấy khó khăn. Đầu tiên, lừ được tạo lập bằng khung tre, hình khối dài khoảng 1 - 1,2 m, rộng khoảng 70 cm. Bên ngoài được tết một lớp tua dây bao nylon và bên trong là bộ trứng mực giả được làm bằng bông gòn, vài viên bi trẻ em hay chơi. Anh Dưỡng cho chúng tôi hay: “Lớp tua nylon được làm như thế để tạo nên những tua rông biển, bông gòn khi thấm nước trông rất giống trứng của mực, còn những viên bi mầu sắc lấp lánh để hấp dẫn lũ mực. Tất cả những thứ đó như một chiếc tổ lý tưởng cho mực vào đẻ trứng”.

Rất thủ công, dễ thực hiện, đầu tư rất ít tiền bạc nhưng lại là nghề đem lại thu nhập ổn định cho đời sống ngư dân thôn Đông Luật, thôn Tân Mạch và một số thôn đi biển trên địa bàn xã Vĩnh Thái. Như anh Hồ Sỹ Doàn, sinh năm 1980 ở thôn Đông Luật với khoảng hơn 50 chiếc lừ, đã có thu nhập ổn định nuôi ba đứa con. Anh Doàn tâm sự, chỉ việc cho thuyền chạy đi buổi chiều hôm trước để thả lừ, sáng hôm sau lái thuyền ra nhấc lừ lên, rất thong thả. Mỗi ngày chỉ làm tầm vài tiếng là đã có cái ăn cho gia đình.

Hơn chục con thuyền ra khơi, việc thả lừ được bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 8 âm lịch. Đó là thời kỳ mực bắt đầu đẻ trứng. Anh Dưỡng cùng các con vừa nhấc lừ, vừa hồ hởi kể với chúng tôi: “Cả thôn Đông Luật có gần 30 hộ làm nghề biển, đa số hộ đánh bắt cá kè với việc thả lừ. Mùa thả lừ bắt đầu từ tháng 2 khi mực bắt đầu tìm nơi đẻ trứng và chúng tôi thôi việc thả lừ vào tháng 8”. Nói về thu nhập, anh Dưỡng cho chúng tôi hay: “Mọi năm được mùa mực thả lừ, thu nhập tầm 150 triệu đồng/năm. Năm nay hơi mất mùa nên mới thu được 60 triệu đồng, nhưng còn tầm hơn tháng nữa thì cũng có ăn. Chỉ cần siêng năng thì biển có phụ người mô mà lo”.

Trong làn nước trong xanh, không biển nào xanh hơn biển Đông Luật. Đa số ngư dân ở đây đều rất có ý thức trong việc đánh bắt và bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển. Nhìn cái cách anh Dưỡng cùng một số ngư dân như anh Doàn, anh An, em Dũng… ứng xử với biển, chúng tôi thật sự thán phục. Khi bắt được một buồng trứng mực, họ nâng niu, để con giống cho mùa sau, nhẹ nhàng đặt trở lại biển cho chúng sinh trưởng. Anh Dưỡng nói rằng, buồng trứng nhỏ thế chứ sinh sản ra hàng nghìn con mực, của biển cho ngư dân đó.

Mỗi ngày thông thường mỗi ngư dân Đông Luật đánh bắt được từ việc thả lừ 3 kg mực. Với 150 nghìn đồng/kg mực nang và 250 nghìn đồng/kg mực ống mà ngư dân bán cho thương lái và một số nhà hàng ven biển, đời sống gia đình đã có thể đủ đầy. Cũng chính vì thế 10 năm trở lại đây, nghề thả lừ phát triển mạnh ở Đông Luật nói riêng và một số thôn ở xã Vĩnh Thái nói chung. Chị Hạnh, vợ anh Dưỡng cho chúng tôi hay, ngoài làm nghề biển, ngư dân ở đây trồng thêm cây màu và thực phẩm, nó cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho hộ gia đình. Không giàu có chi nhưng ở nông thôn đủ ăn, đủ nuôi con ăn học, có tiền làm nhà kiên cố là mừng lắm rồi!

Thong dong nghề “thả lừ” ở Đông Luật ảnh 1

Kiểm tra lại “lừ”.

Giữ biển để biển nuôi mình

Ông Nguyễn Đình Lặng, Trưởng thôn Đông Luật trả lời chúng tôi về nghề “thả lừ” đã tâm niệm một điều về môi trường sống của bà con: “Tất cả là nhờ môi trường sinh thái. Bà con Đông Luật biết gìn giữ môi trường, biết xây đắp cho môi trường, nhất là rừng đầu nguồn và rừng ven biển nên làm nông nghiệp cũng được mùa mà đi biển cũng có thu nhập cao”. Đối với đời sống ngư dân vùng biển Đông Luật, ông Lặng cho hay: “Người dân ở Đông Luật với thu nhập từ nghề biển đời sống rất thoải mái. Thu nhập của lao động ở nông thôn mà được 5 triệu đồng/tháng, tôi thấy phấn khởi rồi. Ở đây có 30% hộ gia đình có thu nhập như thế”.

Gần 100 hộ dân được làm nhà kiên cố. Người dân thôn Đông Luật vẫn bám biển nhưng vẫn là người dân biết chuyển đổi sinh kế một cách lẹ làng, hợp với thị hiếu và việc làm đó đã mang lại cho người dân ở đây một cuộc sống ấm no. Ông Lặng hồ hởi: “Từ khó khăn về nhu cầu thiếu đồng cỏ, người dân đã biết tận dụng rơm rạ, cây ngô… để chăn nuôi. Họ biết chuyển đổi sinh kế phù hợp nhu cầu thị trường. Diện tích trồng cây lương thực, thực phẩm… đủ với nhu cầu của các khu vực lân cận nên không bị dư thừa sản phẩm. Nông nghiệp mang lại thu nhập cho mỗi hộ gia đình tầm 60 triệu đồng/năm”.

Đi lên từ bàn tay và sức lao động của người nông dân, người dân thôn Đông Luật tự hào bởi sức lao động của mình đã làm nên cơm áo, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền biển này.

Nhìn cánh rừng dương xanh ngút ngát hơn 10 ha đầu nguồn cùng với mầu xanh tít tắp của rặng phi lao nối Vĩnh Thái với Vĩnh Kim, nhiều người đã tin rằng, những người nông dân có thể sống sung túc và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.