Thời cơ mới, vận hội mới

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII. Đồng chí đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. Bởi lẽ, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so các năm trước.

Học sinh Trường trung cấp Việt Giao (TP Hồ Chí Minh) trong giờ học thực hành. Ảnh: TTXVN
Học sinh Trường trung cấp Việt Giao (TP Hồ Chí Minh) trong giờ học thực hành. Ảnh: TTXVN

Kỳ 1: Đón cơ hội đào tạo nghề

Trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) chọn giải pháp có tầm nhìn là đào tạo lại cho người lao động (NLĐ) để nâng cao kỹ năng. Nhiều lao động thất nghiệp cũng đã tìm hướng học nghề mới, thích ứng hoàn cảnh mới. Tất cả đều nỗ lực để vượt qua dịch bệnh và hướng về phía trước.

Chuẩn bị những bước đi mới

Trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có nhiều DN chủ động đào tạo nghề cho NLĐ. Công ty May Tinh Lợi (Hải Dương) đang sử dụng hơn 20 nghìn LĐ là một thí dụ. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như chất lượng tay nghề của NLĐ, thay vì cắt giảm LĐ, giãn việc hay cho nghỉ luân phiên, DN này đã lập ra một danh sách để NLĐ chủ động đăng ký đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề. Chị Nguyễn Thị Hoa, 21 tuổi cho biết: “Tôi mới chân ướt chân ráo vào công ty nên dịp này, đăng ký ngay khóa đào tạo nghề ngắn hạn để hiểu rõ công việc mình đang làm hơn, có kỹ năng hơn, thuần thục hơn, từ đó có năng suất lao động cao hơn và thu nhập tốt hơn!”. Bà Trần Thị Vượng, Giám đốc Nhân sự và Hành chính Công ty May Tinh Lợi cho rằng, do tốc độ mở rộng sản xuất nhanh, đơn hàng nhiều nên khi tuyển dụng, công ty mới chỉ hướng dẫn NLĐ các kỹ năng cơ bản, biết vận hành máy móc nên trong giai đoạn này, đào tạo lại là rất quan trọng. “Thời gian tới, khi dịch qua, DN đã chuẩn bị sẵn một lực lượng lao động có nghề. Khi có tay nghề vững vàng, nền kinh tế khôi phục trở lại, DN nhiều đơn hàng hơn thì chắc chắn NLĐ sẽ có thu nhập tốt hơn!”, bà Vượng nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho rằng, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đào tạo lại LĐ là rất cần thiết, vì hiện nay ở các DN trong ngành dệt may, tỷ lệ được đào tạo chính quy mới chỉ khoảng 30 - 50%.

Còn về phía NLĐ, nhiều trường hợp đã đón cơ hội học nghề để thích nghi môi trường mới. Đặng Thu Hòa, 31 tuổi từng tốt nghiệp Trường đại học Thương mại Hà Nội và làm thu ngân cho siêu thị Fivimart trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Lúc dịch bệnh xảy ra, siêu thị đóng cửa, Hòa bị mất việc. Hòa không về quê ngay mà đến nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tại đây, Hòa mới biết đến những lớp học nghề miễn phí như lái xe ô-tô, sửa xe máy, may công nghiệp, pha chế đồ uống, làm bánh, học nấu ăn… Hòa đã chọn theo học lớp nấu ăn. Hòa cho biết, học nghề xong sẽ chọn làm thương mại điện tử, kinh doanh các mặt hàng nông sản, vì vậy những kiến thức của lớp học rất bổ ích. “Quê tôi ở vùng biển Thái Bình có nhiều sản vật của địa phương, vì vậy tôi sẽ cố gắng xây dựng một trang wed bán hàng trực tuyến các sản phẩm của quê hương. Có kiến thức về cách chế biến, những mặt hàng mình bán sẽ đa dạng hơn”.

Còn chị Lê Thanh Hà, 35 tuổi, làm công nhân may tại KCN Đông Anh (Hà Nội), mất việc trong đợt dịch Covid-19 khi đã nhiều tuổi nên chị không khỏi băn khoăn. Chị cho biết, các con đều đang độ tuổi ăn học nên chị quyết tâm không nản lòng, tiếp tục làm chỗ dựa trong gia đình. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN, chị được tư vấn về những lớp học nghề miễn phí dành cho lao động. Cuối cùng chị Hà đã lựa chọn lớp nấu ăn để theo học. 

Chia sẻ về lựa chọn của mình, chị Hà cho biết, trong nghề may, tuổi ngoài 35 được coi là cao, sớm muộn cũng không theo được nghề nên đã chủ động học nghề nấu ăn, phù hợp với việc kinh doanh ăn uống hoặc bán đồ ăn qua mạng. Với thời gian theo học hai tháng, chị Hà đã được học 50 món ăn truyền thống của Việt Nam. “Ngoài dạy nấu ăn, các thầy ở trung tâm còn truyền đạt một số kinh nghiệm kinh doanh. Những kiến thức chúng tôi có được từ lớp học rất thiết thực để bắt đầu cho một công việc mới”, chị Hà nói.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong các lớp sơ cấp nghề cho lao động thất nghiệp, nghề kỹ thuật nấu ăn có số lượng NLĐ đăng ký học đông nhất. Sau khóa học, hầu hết học viên có việc làm ngay, một số khác đã tự mở nhà hàng, quán ăn hay làm nghề giúp việc gia đình. 

Tạo nhiều cơ hội học nghề 

Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã xác định việc hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ hưởng chính sách BHTN, giới thiệu việc làm là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai bảo đảm 100% số NLĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách BHTN, quyền được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và quyền được hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định. Bên cạnh chú trọng bảo đảm chất lượng giảng dạy các nghề sẵn có,  Trung tâm còn liên hệ, phối hợp các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP Hà Nội có nhu cầu và khả năng để tạo nhiều cơ hội học nghề cho NLĐ. Các ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo đa dạng phong phú hơn đáp ứng được nhu cầu của NLĐ; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đã có rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã tìm được việc làm mới hay tự mở được cửa hàng ăn, cà-phê giải khát, làm bánh ngọt… ổn định cuộc sống bản thân và gia đình.

Khi triển khai đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa Lê Đăng Thanh cho biết: “Mặc dù trong năm 2020, số lượng LĐ thất nghiệp đăng ký học nghề đã tăng cao so năm 2019, tuy nhiên theo đánh giá vẫn còn quá thấp so lượng LĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thực tế cho thấy, mặc dù Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về thời gian và mức hỗ trợ học nghề cho lao động đã thông thoáng và thuận tiện hơn nhiều so Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, mức hỗ trợ vẫn thấp, do đó chưa thu hút được NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề”.

“Hiện nay, các cơ sở dạy nghề cũng không thể mở riêng lớp cho một vài LĐ thất nghiệp. Còn LĐ học chung với khóa đào tạo của trường nghề thì lại mất thời gian đến vài năm, trong khi LĐ thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm. Phần lớn LĐ thất nghiệp là LĐ phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù đắp được một phần khó khăn trong cuộc sống. Mức hỗ trợ học nghề đã phần nào giúp họ học một nghề thích hợp khả năng của mình, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và cho gia đình”, ông Thanh nói.

Về phía các trường nghề, một số trường đã đưa ra phương pháp tuyển sinh hấp dẫn, phù hợp nhu cầu của người học và thị trường LĐ. Theo dõi diễn biến của thị trường LĐ, bà Phạm Thị Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nhận thấy, một bộ phận không nhỏ NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nhu cầu học nghề ngắn hạn để có thêm cơ hội quay trở lại thị trường LĐ. Từ đó, trường đã điều chỉnh kế hoạch tư vấn, tuyển sinh. “Thay vì ưu tiên tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng, chúng tôi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp. Đối tượng hướng tới là NLĐ mất việc làm, có nhu cầu đào tạo nghề”, bà Phạm Thị Hường cho hay.

“Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội lại đưa ra nhiều giải pháp như nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ với DN,… để tìm kiếm những cơ hội học tập, cơ hội việc làm tốt nhất cho người học để học viên tìm đến nhà trường”, ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ.

Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội hiện được đầu tư rất đồng bộ, trang thiết bị hiện đại, các phòng học đều được tích hợp nhiều chức năng.  Trường đào tạo một số ngành nghề trọng điểm như điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ và sửa chữa ô-tô, kỹ thuật máy lạnh… Đặc biệt, nhiều ngành đã được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là người học được cấp hai bằng của Việt Nam và nước ngoài. Hiện nay, nhà trường có những chương trình đào tạo theo đặt hàng của DN. Cụ thể, với ngành cơ khí chế tạo hay sửa chữa ô-tô, học phí của người học sẽ do phía DN chi trả. Thậm chí, suốt thời gian học nghề, người học còn được nhận lương, nhận các chế độ lễ, Tết như NLĐ.

“Có những DN liên tục đến trường nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp về làm. Đó là những nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo, nhưng nhà trường phải thường xuyên từ chối vì không đủ số lượng sinh viên cung ứng cho DN”, ông Thắng tự hào nói.

(Còn nữa)