Thiếu sân chơi phù hợp cho trẻ

Được đánh giá là đô thị có đa dạng sân chơi và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em, thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng các sở, ngành liên quan tại TP Hồ Chí Minh cần sáng tạo, thiết thực hơn trong lĩnh vực quan trọng này. Vì nếu hoạt động dù nhiều mà thiếu tính đồng bộ, ít đầu tư thì rất khó thu hút trẻ cũng như tạo được tác động như mong muốn.

Khi đủ sân chơi cộng đồng và các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp, trẻ sẽ có điều kiện tốt để phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.
Khi đủ sân chơi cộng đồng và các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp, trẻ sẽ có điều kiện tốt để phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Nhiều… nhưng chưa đủ

Tính đến thời điểm hiện tại, quận 8, TP Hồ Chí Minh có 42 điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em với nhiều hoạt động tổ chức định kỳ. Phòng Văn hóa, Thông tin quận thường xuyên phối hợp Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa - Thể thao tổ chức nhiều chương trình vui chơi, giải trí như văn nghệ, chiếu phim, đọc sách cho trẻ em trên địa bàn.

Nỗ lực là vậy nhưng đến nay các hoạt động vui chơi, giải trí của quận 8 vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu của trẻ em đang sinh sống tại đây. Điều đáng lo là các trung tâm văn hóa - thể thao phường đến nay không còn thực hiện xã hội hóa nên các hoạt động vui chơi, giải trí chỉ tập trung vào dịp lễ, Tết hay nghỉ hè. Việc đầu tư cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Do đó, thay vì được vui chơi, giải trí tại các địa điểm công cộng hàng tuần như trước kia, bây giờ nhiều trẻ phải tìm hình thức giải trí khác. Anh Nguyễn Minh Hà, người dân tại quận 8 tâm tư: “Các chương trình biểu diễn nghệ thuật thường lễ, Tết mới nhiều còn bình thường lèo tèo vài sân chơi cũ kỹ, hoạt động không hấp dẫn nên đi vài lần các bé đã chán. Thiếu hoạt động cộng đồng, sau giờ học các cháu lại xem tivi, sử dụng điện thoại chúng tôi cũng lo lắm!”.

Báo cáo của Phòng Quản lý Thể dục - Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho thấy, bên cạnh hệ thống nhà thiếu nhi, đến nay các trung tâm văn hóa - thể thao, trung tâm thể dục - thể thao đã phủ sóng 24 quận, huyện. Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh trong một năm đã phục vụ trẻ em thành phố rất nhiều suất diễn gồm các thể loại như ca nhạc, cải lương, kịch, xiếc, múa rối nước… Hằng tuần, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Sân khấu Sen Hồng, Rạp xiếc Gia Định cũng tổ chức nhiều sân chơi văn hóa, nghệ thuật chọn lọc cho đối tượng trẻ em. Nhiều đơn vị khác cũng thiết kế nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục - thể thao cho trẻ. Thế nhưng, theo đánh giá chung của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong lĩnh vực văn hóa - thể thao” do Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức thì sân chơi tại thành phố nhiều nhưng chỉ tập trung vào một số thời điểm nhất định chứ không ổn định suốt năm. Bên cạnh đó, các sân chơi, sân khấu được đầu tư lớn chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm nên khá thiệt thòi cho trẻ em các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.

Cần thêm nguồn lực đầu tư

Hạn chế sân chơi hấp dẫn đã đành, nhiều hoạt động tại địa phương còn thiếu sự đầu tư, chăm chút nên khó thu hút trẻ tham gia. Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu dành cho thiếu nhi ngày càng thiếu thốn khiến không ít em phải dùng “bài” của người lớn để diễn trên sân khấu. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nhà Bè cho rằng, hiện nay hoạt động văn hóa phục vụ văn hóa trẻ em tại các nơi không ít nhưng thiếu sức hấp dẫn. Đó là điểm cần khẩn trương khắc phục nếu muốn trẻ không quay lưng với các hoạt động văn hóa, sân chơi cộng đồng trong điều kiện công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay: “Nhiều chương trình khi mới phục vụ được một, hai tiết mục thì bên dưới trẻ đã rủ nhau ra về. Ngoài ra, các trò chơi mang tính tập thể cũng rất hạn chế. Theo tôi, chúng ta nên có nghiên cứu từng loại hình để đưa ra cách thức thay đổi hợp lý. Sở Văn hóa - Thể thao cũng cần phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường các tiết học ngoài trời cho trẻ vì hiện nay điều này rất thiếu”.

Nhiều ý kiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển thực chất hệ thống sân chơi công cộng, các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ đối tượng thiếu nhi chứ không phải chạy đua theo số lượng để làm đẹp báo cáo. Hiện nay, số lượng sân khấu, công ty nghệ thuật xã hội hóa xuất hiện khá nhiều, nếu phối hợp được với các đơn vị này sẽ góp phần tạo thêm sức hút cho các sân chơi. Khi được hỗ trợ kinh phí phù hợp, các đơn vị xã hội hóa sẽ mạnh dạn đầu tư và tổ chức nhiều chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi theo hình thức sân khấu học đường, sân khấu cộng đồng. Các chương trình có chất lượng chuyên môn cao, phối hợp nhiều loại hình nghệ thuật cũng cần thường xuyên được dàn dựng, biểu diễn từ cấp thành phố đến các quận, huyện để trẻ em mọi nơi đều được tiếp cận. Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nâng cao chất lượng các sân chơi và chương trình văn hóa, thể thao dành cho thiếu nhi cần giải pháp đồng bộ, nhất là gỡ khó về kinh phí đầu tư. Làm sao để các hoạt động diễn ra suốt năm chứ không chỉ vài dịp và các địa phương cần mạnh dạn nhân rộng các mô hình hiệu quả. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức không chỉ của cộng đồng mà cả cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ, ngân sách cho công tác này.