Thích ứng để không bị tụt hậu

Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống đào tạo nghề đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, đưa công nghệ, phương pháp mới vào giảng dạy các kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: SONG ANH

Thay đổi phương pháp đào tạo nghề truyền thống

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, từ hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, bên cạnh vai trò hàng đầu của hạ tầng công nghệ thông tin, trụ cột quan trọng khác của Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, thay đổi chương trình đào tạo nghề, đào tạo đại học (ĐH), sau ĐH. Chỉ thị nêu rõ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề.

Thời gian gần đây, nhiều viện, trường và các cơ sở đào tạo nghề đã có những thay đổi trong phương pháp đào tạo nghề truyền thống với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ.

Hà Nội là địa phương có nhiều trường nghề nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này. Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước (Quyết định QĐ/TTg số 761 ngày 23-5-2014). Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc cho biết: Để tiếp cận các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường đã chủ động đầu tư về thiết bị và đào tạo nhân lực các lĩnh vực tự động hóa với ba nghề điện công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí. Đến thời điểm này, trường có tất cả các ngành nghề trọng điểm với nhiều công nghệ hiện đại như in 3D, dây chuyền công nghiệp hóa, trung tâm gia công tự động…, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng học tập và thực hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Các viện nghiên cứu cũng có những bước chuyển mình đáng kể. TS Đỗ Trần Thắng, Trưởng phòng Cơ điện tử, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: Viện có sự kết hợp chặt chẽ với các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội… trong khâu đào tạo nghề, đồng thời tận dụng nguồn lao động là sinh viên trong các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mẫu, giúp bồi dưỡng, phát triển các kỹ năng của sinh viên.

Một trong những sản phẩm đó là cánh tay robot sáu bậc tự do SM6, có khả năng thay thế cánh tay người trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, TS Thắng và các cộng sự còn nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại robot di động khác nhằm phục vụ hoạt động đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực cơ điện tử. Nhờ nắm vững lý thuyết và được thực hành một cách bài bản, nhiều sinh viên khi ra trường, bắt đầu công việc tại các DN đã không cảm thấy bỡ ngỡ, có thể bắt tay ngay vào việc đúng với chuyên môn.

Thích ứng để không bị tụt hậu ảnh 1

Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội giới thiệu các ngành nghề tuyển sinh. Ảnh: HẢI NAM

Tuyển sinh đi liền tuyển dụng

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các bộ, ngành, địa phương đang rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Việc chuẩn hóa giáo viên, cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy… cũng được tính đến. Mô hình đào tạo chất lượng cao đã được triển khai thí điểm tại 45 trường, đồng thời mô hình nghề trọng điểm cũng từng bước mở rộng.

Đơn cử, Trường CĐ Điện lạnh Hà Nội đã đưa giáo viên sang Bỉ để đào tạo làm hạt nhân. Sau khi các giáo viên đó được công nhận là giảng viên toàn cầu, trường sẽ thành lập Trung tâm đào tạo Nhà thông minh tiêu chuẩn KNX (tiêu chuẩn quốc tế dành cho hệ thống quản lý, điều khiển tòa nhà thông minh) để đào tạo lại cho giáo viên trong trường. Tại Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội, Hiệu trưởng Đào Công Hải cũng cho biết: Bên cạnh những chương trình đào tạo trong nước theo chuẩn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH), nhà trường đã liên kết với các dự án quốc tế để bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên. Hiện nhiều giáo viên của trường đã và đang được đào tạo tại Hàn Quốc, Phần Lan và Australia.

Đưa sinh viên vào DN để đào tạo là một trong những mô hình mới được Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội áp dụng. Theo đó, nhà trường và DN phối hợp xây dựng chương trình phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường, phù hợp với máy móc thiết bị công nghệ của DN. Sau đó, hai bên xây dựng chương trình ngắn hạn, từ một đến ba tháng, thành modun môn học và đưa sinh viên vào cho DN đào tạo. Nhờ đó, sinh viên ra trường có thể đáp ứng được ngay nhu cầu của DN.

Điểm nổi bật trong công tác tuyển sinh của các trường nghề là liên kết chặt chẽ với DN ngay từ đầu vào, tức là tuyển sinh đi liền với tuyển dụng. Chẳng hạn, Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội cam kết bảo đảm đầu ra cho người học bằng hợp đồng đào tạo giữa nhà trường, gia đình và học sinh, sinh viên. Trường CĐ Cơ điện Hà Nội xét tuyển linh hoạt, vừa dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, vừa căn cứ vào kết quả học tập THPT của thí sinh. Nhiều trường nghề khác cũng tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng chính quy theo hướng chủ động đầu vào, cam kết đầu ra.

Trong những năm qua, Nhà nước khuyến khích DN tham gia quá trình tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, DN cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn nghề, chương trình đào tạo; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo, cho người học tham gia các cuộc thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực và quốc tế... DN có trách nhiệm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành, cung cấp giảng viên cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người học vào làm việc tại DN hoặc tìm việc làm sau tốt nghiệp. Ngoài ra, DN còn phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm... tạo căn cứ cho mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu.

Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký hợp đồng và tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của DN. Điển hình là Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất đã ký hợp đồng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho DN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với hơn 16.000 người trong giai đoạn 2018-2020; Trường CĐ Du lịch Nha Trang hợp tác với hơn 30 DN trong quá trình đào tạo, giới thiệu việc làm.

Đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện đại

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Hồng Minh cho rằng, hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 388 trường CĐ, 551 trường trung cấp, còn lại là trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới trường công lập đã đào tạo 134 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 62 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ khu vực; 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia. Các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trường thuộc DN nhà nước cũng lựa chọn đào tạo 64 ngành, nghề trọng điểm, gồm 18 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 28 ngành, nghề cấp độ khu vực; 64 ngành, nghề cấp độ quốc gia. Đáng chú ý, ngành, nghề trọng điểm được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển theo hướng mở, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cơ hội với người học nghề càng mở hơn khi Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 522/QĐ-TTg. Ngày 14-5-2018; mô hình đào tạo hiện đại, như KOSEN của Nhật Bản, sẽ được áp dụng thí điểm tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngành LĐ-TB&XH, trực tiếp là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang trình Chính phủ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung vào ba nhóm giải pháp trọng tâm. Đó là việc chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn nhà giáo, chuẩn cơ sở vật chất, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra; nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN, thị trường lao động và việc làm bền vững...