Tết ấm phương xa

Từ đồng bằng, nhiều người gói ghém thương yêu thành quà Tết để mang đến vùng sâu, vùng xa trao tặng bà con nơi đây. Tết ấm có ở đâu xa. Tết ở trong sự thương yêu, đùm bọc, ở trong tấm lòng sẻ chia.

Các tình nguyện viên tham gia gói quà cho chương trình Mùa xuân yêu thương cùng ê-kíp Sát cánh cùng gia đình Việt.
Các tình nguyện viên tham gia gói quà cho chương trình Mùa xuân yêu thương cùng ê-kíp Sát cánh cùng gia đình Việt.

Từ phiên chợ đến vé xe “0 đồng”

Làng Mô (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) những ngày tháng Chạp se lạnh bỗng vui tươi, ấm áp hơn khi xuất hiện phiên chợ “0 đồng” đặc biệt. Đây là địa phương chịu thiệt hại nặng nề, bị cô lập nhiều ngày trong trận lũ lịch sử vào tháng 10 năm ngoái. Lũ rút, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, bà con nơi đây đang bắt tay vào mùa vụ mới và chuẩn bị những thứ cần thiết để đón xuân về. Điều họ mong ước giản dị lắm, chỉ là cái Tết có đủ cơm ăn, áo mặc, được nghe tiếng cháu con nói cười.

“Phiên chợ 0 đồng” được tổ chức ngoài trời với nhiều gian hàng trang trí đẹp mắt, nơi có cành mai, cành đào khoe sắc, tiếng nhạc xuân rộn ràng. Với những chiếc khăn sặc sỡ quấn gọn trên đầu, nụ cười tươi nở trên môi, các chị, các mẹ người Vân Kiều ở làng Mô háo hức đến phiên chợ chọn cho gia đình những món đồ thiết yếu hay thực phẩm, bánh mứt bổ sung vào cỗ ngày Tết. Chợ toàn món cần thiết, nào nồi niêu xoong chảo, thau chậu, nào bát đĩa đủ sắc mầu và không thể thiếu áo lạnh, chăn ấm. Có cả gạo nếp, gạo tẻ để nấu cơm, làm bánh; có dưa kiệu, bánh chưng, bánh in, mứt Tết để cúng đêm Giao thừa. Tất cả đều được mua với giá “0 đồng”, điều khá lạ lẫm với những bà nội trợ vùng cao.

Trở về sau phiên chợ đặc biệt ấy, chị Trần Thị Thùy Dung, thành viên Câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình vẫn chưa nguôi xúc động. Chị Dung nói, nhìn bà con chọn đồ mà thương, muốn tặng hết, tặng thêm vì nơi đây còn nhiều người khó khăn quá. Phiên chợ là tấm lòng các nhà hảo tâm khắp nơi gói ghém, vận chuyển từ miền xuôi lên vùng cao với mong muốn mang Tết sớm đến với hơn 300 hộ tại sáu bản của xã Trường Sơn. Đặc biệt, ban tổ chức còn mua tặng 50 lá cờ Tổ quốc để bà con treo vào dịp Tết, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới. “Tụi mình mong muốn đem các món quà là tình cảm của những người hảo tâm đến bà con vùng cao những ngày giáp Tết. CLB cũng dành tặng nhiều phần quà Tết tặng các hộ khó khăn và có cả tiết mục văn nghệ phục vụ đồng bào. Quà phải là những món thiết thực được lựa chọn cẩn thận chứ không phải quyên góp đại, mua cho xong vì tụi mình biết bà con cần nhiều thứ lắm”, chị Dung chia sẻ thêm.

Trước đó, nhóm chị Dung cùng các thành viên Hội Thiện tâm Quảng Bình đã khởi động chương trình “Xuân biên giới - Ấm lòng dân bản” với chuyến xe chở đầy ân tình từ khu vực trung tâm Quảng Bình về thăm bà con ở hai bản Bạch Đàn và Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi còn rất nhiều hộ dân nghèo “sợ Tết đến”. Bản cách nơi phát quà hơn ba giờ đi bộ, vậy mà 136 hộ dân đều có mặt đông đủ từ sớm đợi tới giờ giao lưu. Có nhiều cặp vợ chồng đưa theo con cái đến tham gia nhận quà, lựa thêm ít quần áo cũ về mặc, nhận thêm chút bánh kẹo mà vui. Ở nơi cái khó bủa vây quanh năm, món quà nào cũng quý, cái ôm nào cũng ấm áp yêu thương. Vậy là Tết về sớm hơn một chút với bánh chưng, chăn ấm, gạo mắm, kẹo thơm từ miền xuôi lên bản.

Cả tuần nay, chị Lê Thị Ngọc Uyển, người phụ trách chương trình “Chuyến xe Tết 0 đồng” của Quỹ Năng đoạn kim cương cùng các cộng sự đang tất bật cho những công đoạn cuối trước khi bắt đầu hành trình xuân ấm áp. Sẽ có 50 tình nguyện viên cùng nhóm chị hỗ trợ bà con lên xe vì toàn là người già, người khuyết tật, việc di chuyển không mấy dễ dàng. Chỉ vào cuốn sổ ghi chú cẩn thận, chị Uyển khoe lúc sáng có chú kia bán vé số dạo hay tin liền chạy đến xin vé. Chú xin cho mình và xin cả cho mấy anh em trong gia đình đang tha phương tại Sài Gòn vì ai cũng nghèo lo bữa ăn không đủ lấy gì mơ màng đến xuân. Nhiều người đã 4, 5 năm chưa được về quê đón Tết, buồn và nhớ lắm.

Năm nay, chương trình “Chuyến xe Tết 0 đồng” dành tặng 450 vé xe miễn phí từ TP Hồ Chí Minh về ba tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, ba địa phương chịu nhiều thiệt hại, mất mát trong các đợt bão lũ vừa qua. Chị Uyển nói, đó là món quà chị và mọi người muốn dành tặng bà con vùng lũ đầu năm để vơi bớt muộn phiền năm cũ dù biết khó khăn vẫn chất chồng ngoài đó: “Tết đến, ai cũng mong sum vầy mà, mình giúp được gì cứ giúp bà con. Tụi mình sẽ tặng thêm bà con ít tiền để yên vui mấy ngày xuân rồi qua năm lại bắt tay làm lụng, mưu sinh”.

Lan tỏa Tết ấm

Đi tới đi lui ngắm nghía thật kỹ 2.200 túi quà Tết vừa được các cộng tác viên đến phụ gói trong vòng 11 giờ đồng hồ, biên tập viên Hồng Thúy, Chủ nhiệm chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt (Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh) thở phào nhẹ nhõm. Cách đây mấy ngày thôi, khi thời hạn gói quà cho chương trình “Mùa xuân yêu thương” năm 2021 đã cận kề mà số quà quyên góp được quá ít, chị Thúy cùng sáu thành viên trong ê-kíp mất ăn mất ngủ. “Lên kế hoạch là vậy nhưng năm nay dịch bệnh khó khăn tụi mình cũng có nhắn trước các địa phương trong điều kiện khó khăn nhất có thể sẽ giảm bớt các món để bảo đảm số lượng quà tặng bà con. Thời gian đầu không có nhiều người đóng góp, nhất là gạo. Ngày gần đến kế hoạch gói quà rồi mà chỉ mới được sáu phần với vỏn vẹn 30 ký gạo sau gần hai tháng kêu gọi. Mình ngạc nhiên, không nghĩ khó khăn đến mức này. Mình quyết định đăng một bài viết trên mạng xã hội với mong muốn có phần gạo ngon cho bà con đón Tết. May mắn là hai ngày sau, mọi người đã giúp chương trình có đủ số quà như kế hoạch”, nhà báo Hồng Thúy nhớ lại.

Hơn 2.000 phần quà Tết nghĩa tình được đóng góp từ hàng nghìn người trên khắp mọi miền đất nước và bà con kiều bào. Biên tập viên Hồng Thúy kể, xúc động nhất là có những cô chú đi quãng đường xa lên đài chỉ để góp mấy ký gạo. Có người chở bao gạo từ Đồng Nai lên ủng hộ chương trình vì nghe... chưa đủ quà tặng bà con. Hay như vợ chồng già khiếm thị bán vé số ở Bình Dương, ông chú lớn tuổi tận Vũng Tàu vẫn vượt đường xa lên góp ít tiền mang Tết ấm tới người nghèo phương xa. Ngày nhận năm chai nước tương từ cô giữ xe hay 50 nghìn đồng mà chú xe ôm dúi vội vào tay, nhà báo Hồng Thúy rơm rớm nước mắt. Chị cảm kích trước những tấm lòng ấm áp ngoài kia bởi đâu phải người giàu mới có thể sẻ chia.

Các phần quà ngày càng đầy, được xếp ngay ngắn vào túi, vào giỏ, đợi ngày đến với bà con vùng lũ, bà con vùng sâu, vùng xa, nơi đói nghèo vẫn bủa vây thường nhật. Chị Thúy khoe, giỏ quà Tết gửi tặng bà con miền trung và Tây Nguyên năm nay hơn chục món, ngoài gạo ngon, bánh mứt, dầu mắm, nước tương để ăn mấy bữa Tết còn có đồ giữ ấm, chăn và đôi dép mới. Rồi còn có tiền lì xì nữa. Bà con có thể dùng để mua thêm ký thịt, con gà cúng tổ tiên hay mua tấm áo mới cho con thơ mặc Tết, miễn sao vui là đủ. Từ cuối tháng 1 này, những món quà nghĩa tình sẽ theo chân ê-kíp “Mùa xuân yêu thương” đến với các hộ gia đình khó khăn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh tại miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Chương trình cũng dành 300 phần quà Tết tặng người nghèo, bệnh nhân khó khăn, người vô gia cư tại TP Hồ Chí Minh, chỉ mong lan tỏa một mùa xuân ấm đến mọi miền.

Nhà tận huyện Củ Chi, ngày hẹn đến phụ gói quà cho chương trình “Mùa xuân yêu thương”, bà Võ Mỹ Liên dậy từ sớm. Bà rủ thêm ba người bạn năng nổ, lẹ làng tới cùng hỗ trợ. Bắt mấy bận xe buýt, xe ôm, cuối cùng nhóm của bà cũng đến được điểm gói quà. Nhóm bà Liên xung phong nhận việc cân đường, chia túi. Bà vui vẻ đặt tên nhóm là “Tổ ngọt ngào”. Xong phần cân, gói 2.200 túi đường, bà Liên cùng những người bạn phụ các phần việc khác, ai nấy đều khẩn trương. “Hôm nghe chưa đủ quà, tôi lo đến mất ngủ. Già rồi không làm ra tiền nhưng tôi tiết kiệm lắm, góp thêm một ít phụ chương trình mua quà tặng bà con. Mình ở thành phố dù gì cũng đủ ăn đủ mặc, bà con mấy nơi xa, nhất là vùng lũ khó khăn lắm. Tôi góp được ít rồi kêu gọi bạn bè, con cái cùng chung tay, của ít lòng nhiều mà. Có lần xa quá không đem tiền xuống kịp, tôi còn ủng hộ... thiếu, mấy bữa sau đem tiền xuống sau. Chứ nghe ai khổ mình thương dữ lắm”, bà Liên chia sẻ.

Vẫn còn rất nhiều chương trình xuân ý nghĩa được bà con miền xuôi dành tặng đồng bào trên bản xa, vùng biên giới hay vùng sâu, nơi quanh năm đối mặt với thiên tai, đói nghèo. Tết ấm từ những bàn tay thơm thảo, Tết ấm từ những tấm lòng sẻ chia.