Tên gọi trường quốc tế đang bị lạm dụng

Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD&ĐT Hà Nội. Qua đó, Thanh tra Bộ cũng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế.

Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận chỉ có trường mang yếu tố nước ngoài, chứ không có trường quốc tế. Nguồn: nguoiduatin
Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận chỉ có trường mang yếu tố nước ngoài, chứ không có trường quốc tế. Nguồn: nguoiduatin

Nhiều thiếu sót trong quản lý

Kết quả thanh tra cho thấy, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Do công tác quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn có nhiều thiếu sót, sai phạm. Công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD&ĐT Hà Nội, các Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ, tiềm ẩn phát sinh phức tạp.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chưa ban hành quy chế quản lý việc bảo quản, sử dụng, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; chưa thực hiện công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử; chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra và phát hiện xử lý một số thiếu sót, sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo và quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị trên địa bàn.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 30-8-2019. Trong đó, kế hoạch cần thể hiện rõ những việc phải làm để khắc phục hậu quả; thực hiện hoàn thiện, bổ sung các văn bản liên quan và kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền những đối tượng liên quan.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế. “Qua thanh tra để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.

Tự gắn mác cho trường

Một thí dụ tiêu biểu là Trường tiểu học quốc tế Thăng Long (Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, Hoàng Mai). Khi được hỏi, tiêu chuẩn nào để trường được công nhận “quốc tế”, đại diện trường này cho biết, đó là do “tự trường đặt tên như vậy, chứ không phải trường quốc tế”. Và trường cũng không đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế mà theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP, các trường quốc tế sẽ được tiếp nhận tới gần 50% học sinh người Việt Nam theo học chương trình nước ngoài.

Việc phân biệt “trường quốc tế” dựa vào hai yếu tố là chương trình và người học. Trong đó, chương trình dạy phải là chương trình chuẩn quốc tế, được quốc tế công nhận; người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch. Chất lượng trường quốc tế được đánh giá dựa vào chương trình giảng dạy, giáo trình, đội ngũ giáo viên, học sinh, bằng cấp và môi trường học tập. Cụ thể, chương trình giảng dạy là những chương trình được các nước trên toàn thế giới công nhận. Giáo trình của trường quốc tế được nhập nguyên bản từ nước ngoài, gồm những môn học: Ngoại ngữ, các môn học xã hội, khoa học tự nhiên, Toán và các môn nghệ thuật. Đội ngũ giáo viên tại các trường quốc tế là giáo viên trong nước hoặc đa quốc tịch có trình độ được công nhận quốc tế (TESOL, TEFL hoặc CELTA). Bằng cấp của trường quốc tế có giá trị quốc tế, được công nhận rộng rãi tại các trường đại học trên toàn thế giới.

Tại Hà Nội, các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là Trường Liên hiệp quốc UNIS, Trường trung học Alexandre Yersin (thuộc Đại sứ quán Pháp), trường của các Đại sứ quán Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… hay trường có vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, trường quốc tế Hà Nội… Ngoài ra, có trường mang danh “quốc tế” nhưng dạy kết hợp cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài mà Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Về tên gọi trường quốc tế, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, ở Việt Nam, chưa có văn bản nào định nghĩa về trường quốc tế. Vì thế, tên gọi trường quốc tế đang bị lạm dụng. Việc tự phong trường quốc tế nhằm thu hút phụ huynh, học sinh. Dù mức thu học phí ở các trường này rất cao, nhưng nhiều phụ huynh ngộ nhận rằng con em họ đang học trường quốc tế nên vẫn cố gắng đầu tư mặc dù chất lượng dạy và học không biết có tương xứng với chi phí hay không. Bởi vậy, phụ huynh khi chọn trường cho con nên tìm hiểu kỹ, đặc biệt quan tâm tới chương trình đào tạo, còn tên gọi không thể hiện được thực chất về chất lượng đào tạo của trường.