Tập trung cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm

Sáng 21-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp triển khai phương án ứng phó bão số 8 (Saudel) và khẩn trương khắc phục thiệt hại, cứu hộ, cứu nạn ở miền trung.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Nguồn: nhandan.com.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Nguồn: nhandan.com.vn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 21-10, cơn bão Saudel đã chính thức vào Biển Đông (trở thành cơn bão số 8), cách quần đảo Hoàng Sa 680 km, cấp bão giữa 8-9, giật cấp 11. Đây là cơn bão khó lường, các dự báo của quốc tế về hướng di chuyển của bão số 8 hiện rất khác nhau. Các đài cho rằng, cường độ mạnh nhất là cấp 11-12 khi lên gần quần đảo Hoàng Sa, khi gần đất liền Việt Nam là khoảng cấp 8-9. 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề nghị, trước mắt bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển, các địa phương tập trung kêu gọi, không để tàu thuyền gặp nguy hiểm, cử các đoàn khẩn trương đi các địa phương để chỉ đạo ứng phó. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt các tàu vãng lai. “Đợt vừa rồi 61.000 tàu cá không gặp vấn đề nhưng lại có tám tàu vãng lai (tàu vận tải) bị sự cố. Tuy nhiên, đến nay đã 15 ngày bà con ngư dân phải nằm bờ, nên bây giờ rất muốn ra biển, vì vậy các địa phương phải giám sát tàu thuyền, vận động bà con không nôn nóng ra khơi để gặp nguy hiểm!”.

Trên đất liền, hiện có 44 điểm sạt lở bờ biển, nếu đêm 24, ngày 25-10 này bão số 8 bồi vào thì rất nguy hiểm. Toàn bộ dải phía tây của miền trung đã ngấm nước, chỉ cần tác động cơ học, mưa là có thể sạt lở. Cùng với đó, hiện nay hơn 2.600 hồ chứa ở miền trung đã đầy ắp nước (trừ các hồ ở Nam Trung Bộ). Do đó, tất cả các hồ thủy lợi và thủy điện phải được giám sát, nhất là hồ Tả Trạch và hồ Kẻ Gỗ. “Tổng cục Thủy lợi phải cử quân xuống để kiểm soát các hồ này, không để giọt nước tràn ly khi bão số 8 vào”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu. 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, nhiệm vụ số 1 là tập trung cứu trợ người dân về lương thực, thực phẩm, nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết… kể cả chất đốt để bà con có thể nấu nướng được, nhiều nơi mặc dù đã bảo đảm an toàn nhưng bà con không có chất đốt để đun nấu, điện thì mất. Vấn đề quan trọng hiện nay là hàng cứu trợ làm sao để đến tận tay bà con, nên tập trung hàng cứu trợ, giao cho chính quyền xã cùng MTTQ xã để phân phối, vì ở xã mới nắm được trong thôn, bản có bao nhiêu hộ dân cần cứu trợ, không nên giao kiểu hình thức. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư và Ủy ban Quốc gia ứng cứu sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cử người vào miền trung xem bà con thiếu gì để hỗ trợ; không chỉ sử dụng cano, cần thiết thì điều động máy bay trực thăng để cứu trợ, cứu hộ hiệu quả hơn. 

Về ứng phó bão số 8, Phó Thủ tướng cho rằng, miền trung đã ngâm nước lâu ngày nên nguy cơ sạt lở đất rất cao khi bão số 8 vào. Do đó, yêu cầu bảo đảm an toàn cả trên biển và đất liền, xây dựng kịch bản ứng phó bão số 8, sơ tán bảo đảm an toàn cho người dân khi bão đổ bộ, kiểm tra lại toàn bộ hồ đập.