Tạo môi trường tự chủ toàn diện

Sự việc hàng trăm người lao động tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai xin nghỉ việc mới đây, có một trong những nguyên nhân là do giai đoạn đầu BV thực hiện cơ chế tự chủ nên gặp nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính. Một năm nhìn lại, tại nhiều cơ sở y tế công thực hiện tự chủ tài chính cũng gặp những rào cản tương tự.

Cơ chế tự chủ tài chính đã giúp nhiều bệnh viện nâng cấp thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh tốt hơn. Ảnh: THANH XUÂN
Cơ chế tự chủ tài chính đã giúp nhiều bệnh viện nâng cấp thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh tốt hơn. Ảnh: THANH XUÂN

Dịch bệnh và cơ chế 

Báo cáo của BV Bạch Mai gửi Bộ Y tế cho thấy, tổng doanh thu của BV năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ đồng so 2019 (tương đương giảm 26%) mặc dù BV đã áp dụng mọi chính sách để hỗ trợ cán bộ, viên chức bình ổn thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập của cán bộ, viên chức BV vẫn bị giảm nhiều so 2019.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, BV Bạch Mai đã được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ toàn diện. Tự chủ BV tức là tăng cường thêm hiệu quả hoạt động BV, bảo đảm tính công khai minh bạch, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, ổn định đời sống của cán bộ, viên chức.

Theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BV Bạch Mai Đỗ Văn Thành, thời gian qua, dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động BV Bạch Mai. Có những thời điểm BV chỉ có hơn 1.000 bệnh nhân nội trú, thay vì 5.000 - 5.500 bệnh nhân nội trú thời điểm trước dịch. 

Tương tự, tại BV Tai mũi họng T.Ư, là BV chuyên khoa hô hấp nên bệnh nhân “ngại” không đến BV khám và điều trị khi có dịch Covid-19. “Lượng bệnh nhân đã giảm 2/3 so với trước khi có dịch. Khi bệnh nhân giảm, nguồn thu giảm, BV lại tự chủ tài chính, nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế cũng giảm theo!”, ông Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV chia sẻ.

Không chỉ BV tuyến T.Ư, BV ở cơ sở như BV đa khoa Hà Đông cũng khó khăn trong việc cân đối thu - chi, khi phải tự chủ tài chính. Hiện, giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố, còn ba yếu tố là khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, khấu hao trang thiết bị, chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí. Bên cạnh đó, việc mua sắm vật tư tiêu hao, trang thiết bị, thuốc… đều qua đấu thầu tập trung, BV không được chủ động mua sắm, trong khi thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp. Theo đó, chỉ cần chậm trễ, quá thời gian quy định trong hợp đồng, các công ty cung ứng sẽ cắt đơn hàng, ảnh hưởng nhiều đến việc khám, chữa bệnh.

Còn nhiều bất cập

Ngoài khó khăn khách quan trong bối cảnh dịch Covid-19, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong  quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các BV công lập. 

Thứ nhất, hành lang pháp lý về tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có tự chủ đối với BV công lập còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập…

Thứ hai, mặc dù các BV được giao tự chủ, song trên thực tế chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự, biên chế. Việc giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) còn chưa phù hợp với một số BV, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí trong khi các BV phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc cân đối thu - chi của BV, đặc biệt là các BV có nguồn thu thấp. 

Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT. Theo quy định hiện hành, việc ban hành giá dịch vụ KCB phải bằng thông tư; việc quyết định mức giá, thời điểm áp dụng giá không thanh toán từ quỹ BHYT của các BV thuộc địa phương phải bằng nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp tỉnh nên cần có quy trình, thời gian thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: trong khi Luật Giá lại quy định phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành giá thay đổi. 

Việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm dẫn đến nhiều BV phải có hai bảng giá: giá KCB BHYT và KCB cho đối tượng không có BHYT, theo mức giá chưa tính chi phí quản lý, khấu hao; giá dịch vụ theo yêu cầu, áp dụng cho khu vực vay vốn, liên doanh, liên kết, xã hội hóa. Hệ quả là chưa khuyến khích được việc vay vốn để đầu tư. 

Thứ ba, tình trạng lạm dụng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, kéo dài thời gian nằm điều trị, kê đơn, sử dụng thuốc biệt dược quá mức cần thiết, kê đơn thêm thực phẩm chức năng… với mục đích tăng nguồn thu cho BV làm ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh, tăng chi phí KCB không cần thiết cho người dân và gây mất cân đối Quỹ BHYT…

Tạo môi trường tự chủ toàn diện -0
Giá khám, chữa bệnh và các dịch vụ theo yêu cầu vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: ÁNH NGUYỆT 

Giao quyền tự chủ dưới sự giám sát 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, năm 2020, đã có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trong đó 37 đơn vị trực thuộc Bộ (tăng ba đơn vị so năm 2019); nhiều đơn vị đã tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên; bốn BV được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư là BV Bạch Mai, BV K, BV Hữu nghị Việt Đức, BV Chợ Rẫy. 

Để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính, Bộ Y tế sẽ phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu chưa đủ. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính.

Thời gian qua, Nhà nước đầu tư rất nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của BV trong vấn đề trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, một số BV đã thực hiện hình thức như vay vốn, liên doanh liên kết, hợp tác để đầu tư. Ưu điểm lớn nhất là BV có trang thiết bị, có những buồng bệnh để phục vụ người bệnh tốt hơn, phát triển được các kỹ thuật điều trị cao.

Tuy nhiên, có một vướng mắc ở giá dịch vụ, giá KCB BHYT và giá do Nhà nước quy định. Chúng ta đang trên lộ trình tính đúng, tính đủ, nhưng hiện nay chỉ mới tính chi phí trực tiếp vào tiền lương, chưa tính khấu hao. Chính vì thế, đối với khu vực xã hội hóa bắt buộc phải tính cả khấu hao và chi phí khác giá cao hơn nên tạo ra sự chênh lệch giá.