Tăng tốc giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2

Từ đầu năm đến nay, dù dịch Covid-19 liên tục gây khó khăn nhưng chính quyền các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị vẫn ráo riết thực hiện công tác vận động giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt đô thị số 2 (Metro số 2, Bến Thành - Tham Lương) để khởi công vào năm 2021. 

Hàng loạt công trình được người dân tự tháo dỡ để giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2.
Hàng loạt công trình được người dân tự tháo dỡ để giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2.

Khi người dân cùng chủ động

Những ngày này, mỗi người dân TP Hồ Chí Minh khi đi qua đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám hay Trường Chinh (quận Tân Bình) đều dễ dàng nhận thấy dọc hai bên không gian thoáng đãng, khác hẳn với vẻ chật chội trước đó. Có được điều này do các hộ dân chủ động tháo dỡ nhà cửa, công trình để giải phóng mặt bằng phục vụ việc xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Ghi nhận dọc hai bên tuyến đường, nhiều hộ dân đã tự thuê công nhân, máy móc về tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng. Nhà dân sau khi giải tỏa sẽ xây lùi vào khoảng ít nhất 10m so lộ giới hiện hữu. Ông Mai Văn Minh (ngụ phường 5, quận Tân Bình), chủ sở hữu ba căn nhà liền kề trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đang đốc thúc thợ sơn khẩn trương hoàn chỉnh mặt tiền căn nhà sau khi bàn giao phần nhà bị giải tỏa. “Việc đền bù của quận rất sát với giá thị trường, công khai, minh bạch, chính quyền đến từng hộ dân để lấy ý kiến, tôi thấy hợp lý và đồng thuận. Chưa kể, đây là dự án phục vụ cộng đồng cho nên người dân rất ủng hộ để thành phố sớm triển khai thi công”, ông Minh thẳng thắn chia sẻ.

Theo quyết định bồi thường của quận Tân Bình, trường hợp nhà ông Minh được áp giá đền bù 170 triệu đồng/m² với diện tích đất thu hồi là 85 m². Ðây cũng là mức giá đền bù cao nhất được áp dụng so các vị trí bị thu hồi đất của dự án vì nằm gần trung tâm thành phố, giá trị giao dịch thương mại cao.

Trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám, nhiều nhà dân thuộc phường 13 (quận 10) cũng đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho chính quyền để thực hiện dự án. Bà Nguyễn Kiều Thu, chủ căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết, sau khi bàn giao phần nhà đất bị thu hồi gần 20 m² thì 35 m² còn lại dự định sẽ xây, sửa lại mặt tiền và gia cố thêm tầng một của căn nhà. “Tôi đồng thuận với phương án đền bù vì chủ trương, chính sách đưa ra cũng là cách góp sức cho thành phố phát triển”, bà Thu nói.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án số 2 (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh), hiện các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường đối với 590 trong tổng số 603 trường hợp (đạt 97,84%). Trong đó các quận 1, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng tính đến thời điểm đầu tháng 9 là hơn 70%, với tỷ lệ 353/603 trường hợp. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2020, đơn vị sẽ nhận mặt bằng từ các địa phương bàn giao. Ðồng thời, chủ đầu tư tiến hành các phương án di dời hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị cho công tác thi công tuyến Metro số 2 vào năm 2021.

Về khó khăn, theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án số 2 cho biết, hiện công tác cấp phép sau khi bồi thường liên quan một số quy định về xây dựng công trình nằm trong hành lang bảo vệ công trình đường sắt - tuyến số 2 sau này. Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải chưa có hướng dẫn chung cho các trường hợp nên hiện chỉ xử lý với từng trường hợp cụ thể. 

Cũng theo ông Khoa, để bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như tránh phát sinh các thủ tục hành chính không đúng quy định, hiện Sở Tư pháp đang rà soát lần cuối để trình tham mưu UBND thành phố ban hành hướng dẫn chung. Đây sẽ là cơ sở để các quận chủ động hơn trong công tác cấp phép xây dựng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Tăng tốc giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 -0
Nhờ có sự đồng thuận cao từ người dân, việc giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 được thuận lợi hơn rất nhiều. 

Chính quyền quyết tâm

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), tuyến Metro số 2 là một trong những dự án quan trọng trong hệ thống giao thông TP Hồ Chí Minh. Với đặc điểm hướng tuyến giai đoạn 1 đi từ chợ Bến Thành đến Tham Lương, khi đi vào hoạt động sẽ giải tỏa lượng lớn các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường “điểm nóng” ùn tắc giao thông như: Cộng Hòa, Trường Chinh, quốc lộ 22... Do đó, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai càng nhanh thì dự án càng được triển khai sớm, mang lại nhiều lợi ích cho thành phố.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Phó Trưởng ban giải phóng mặt bằng quận Tân Bình Nguyễn Tấn Tài cho biết, nhờ sự đồng thuận cao của người dân về chủ trương thực hiện dự án, trong đó có phương án đền bù được quận công khai lấy ý kiến người dân, nên tiến độ đền bù giải tỏa và bàn giao mặt bằng trên địa bàn rất tốt. Ðến nay, quận đã ban hành 339 quyết định và phương án bồi thường hỗ trợ (330 cá nhân và chín tổ chức), chi đền bù cho 275 trường hợp với tổng kinh phí hơn 1.660 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, có hai trong số sáu nhà ga (nhà ga S10 - Tân Bình và S11 - Phạm Văn Bạch) đã hoàn thành công tác thu hồi đất và quận đã bàn giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị vào tháng 6 vừa qua. Ðối với bốn nhà ga còn lại, trong đó có ba nhà ga S7 (Nguyễn Hồng Ðào), S8 (Nguyễn Thượng Hiền) và S9 (Bà Quẹo), quận chuẩn bị bàn giao mặt bằng. Còn nhà ga cuối cùng là S6 (Phạm Văn Hai), quận phấn đấu bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 12-2020. Số tiền bồi thường ở khu vực Trường Chinh, ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) vào khoảng 150 triệu đồng/m².

Ngoài quận Tân Bình, một số quận có tuyến Metro số 2 đi qua cũng phấn đấu bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý đường sắt đô thị nhằm sớm triển khai thi công dự án. Theo đó, quận 10 có 74 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến bàn giao trong tháng 9; quận 1 có 29 trường hợp, dự kiến bàn giao trong quý IV năm nay; quận 12 có 11/12 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, trường hợp duy nhất chưa bàn giao do chủ công ty xin có thời gian bán hết số máy dệt cũ nằm trong nhà xưởng và sẽ bàn giao xong trong tháng 12.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh thông tin, tuyến Metro số 2 có tổng chiều dài hơn 11km, trong đó đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2km. Toàn tuyến bao gồm chín ga ngầm, một ga trên cao và một Depot tại Tham Lương. Dự án đi qua sáu quận gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, với tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng (khoảng hơn 2.09 tỷ USD), sử dụng nguồn vốn ODA vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng. 

Cũng theo ông Cường, công trình ảnh hưởng bởi 603 hộ dân (trong đó 121 hộ phải di dời, số còn lại bị ảnh hưởng một phần) với tổng diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 251.100 m². Do quá trình thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư diễn ra quá lâu nên tuyến Metro số 2 đã buộc phải điều chỉnh mốc thời gian về đích của dự án từ năm 2024 đến năm 2026 cho phù hợp thực tế. Khi đi vào hoạt động cuối năm 2026, giai đoạn 1 của tuyến Metro số 2 sẽ đáp ứng chuyên chở được 140.000 hành khách/ngày, giai đoạn 2 ước đạt khoảng 400.000 hành khách/ngày.

Về kế hoạch di dời hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho hay, dự án sẽ được triển khai di dời hạ tầng viễn thông, điện, cấp nước, thoát nước, cây xanh vào đầu năm 2021 để kịp bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính triển khai thi công trong năm 2021.

Tuyến Metro số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh hai khu đô thị mới của thành phố là Thủ Thiêm và Tây bắc Củ Chi, từ đó góp phần cải thiện môi trường sống, xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.