Tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIV, khi trình bày nội dung Dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) trước QH, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nêu rõ, một điểm mới, mang tính đột phá trong Dự án Luật BVMT (sửa đổi) mà Chính phủ trình ra QH lần này là việc “thanh tra, kiểm tra không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả”.

Kiểm tra mức độ ô nhiễm tại các cống thoát nước thải ở Hà Nội. Ảnh: LAM ANH
Kiểm tra mức độ ô nhiễm tại các cống thoát nước thải ở Hà Nội. Ảnh: LAM ANH

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình trước QH trong phiên QH họp trực tuyến, ngày 26-5, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT. Luật hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về BVMT… Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề BVMT.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của QH Phan Xuân Dũng nêu rõ, cơ quan thẩm tra cho rằng, sửa đổi Luật BVMT năm 2014 là cần thiết. UBKHCN&MT nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động BVMT cho phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc chuyển đổi thành dự án Luật BVMT (sửa đổi) là phù hợp. Về quy hoạch BVMT và đánh giá môi trường chiến lược, cùng nội dung quy hoạch BVMT quốc gia, dự thảo Luật có một số quy định khác với Luật Quy hoạch. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Ngoài những vấn đề nêu trên, tại hội nghị thẩm tra còn có một số ý kiến về bảo vệ các thành phần môi trường như: không khí, đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường, quan trắc môi trường...; đề nghị chỉnh sửa về bố cục, kỹ thuật văn bản; làm rõ nội hàm một số khái niệm, giải thích từ ngữ; nội dung của các điều luật; về tiếp cận công tác BVMT trong điều kiện mới của thế giới và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện nay. Dự thảo còn 49 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết trong 192 điều là khá lớn, đề nghị cần luật hóa tối đa các điều, khoản này trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng lưu ý, nhiều nội dung BVMT được quy định trong nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật còn chồng chéo; nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về BVMT chưa thật sự hợp lý, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

Dự thảo Luật được đánh giá có nhiều điểm mới, trong đó có vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các cấp trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về BVMT. Bổ sung quy định về tần suất thanh tra BVMT (không quá một lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân; riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác BVMT là không quá một lần/hai năm liên tiếp) để giảm phiền hà, chồng chéo cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực BVMT được áp dụng theo quy định đặc thù không phải công bố, thông báo trước.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là điểm mới, mang tính đột phá nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm theo hướng nâng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT từ hai năm lên 5 năm để bảo đảm phù hợp tính chất đặc thù của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Nhiều ý kiến trong UBKHCN&MT đồng ý cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT. Song cũng có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này vì Luật Thanh tra đã quy định mang tính nguyên tắc. Theo quan điểm này, trường hợp cần quy định thì phải xác định rõ nguyên tắc, điều kiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của DN. Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thanh tra chuyên ngành về BVMT là chưa phù hợp pháp luật về thanh tra.

Các ý kiến khác cũng đề nghị rà soát, chỉnh sửa lại các quy định khiếu nại, tố cáo về môi trường theo hướng không quy định lại nội dung hoặc chỉ cần viện dẫn quy định mang tính nguyên tắc của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách, nhưng UBKHCN&MT đánh giá hồ sơ Dự án Luật BVMT (sửa đổi) của Chính phủ trình QH đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình QH xem xét, cho ý kiến.