Tai nạn giao thông gây nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội

Trung bình một ngày, toàn quốc xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông (TNGT) và khoảng 200 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị Cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện xử lý. Đáng chú ý, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm.

Một chiếc xe mất phanh dừng lại an toàn nhờ lao vào đường lánh nạn trên đèo Lò Xo.
Một chiếc xe mất phanh dừng lại an toàn nhờ lao vào đường lánh nạn trên đèo Lò Xo.

TNGT vẫn diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính từ ngày 15-12-2019 đến 14-10-2020, toàn quốc xảy ra 11.653 vụ TNGT, làm chết 5.456 người, bị thương 8.630 người. So 10 tháng của năm 2019, TNGT đã giảm 18,2% số vụ, giảm 13,6% số ngươi chết và giảm 20,6% số người bị thương. Mặc dù tai nạn giao thông giảm sâu, nhưng tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đặc biệt là ngay sau khi nới lỏng giãn cách đợt một (từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8-2020) đã liên tiếp xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe kinh doanh vận tải ở Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Bình, Hà Nội...

Có mặt tại Bệnh viện Việt Đức, nơi thường xuyên tiếp nhận điều trị cho nạn nhân TNGT, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết: Trung bình mỗi năm bệnh viện phải tiếp nhận 15.000 - 17.000 trường hợp bệnh nhân TNGT, tai nạn thương tích. Riêng chín tháng năm 2020, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận khoảng 11.700 trường hợp. Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân bị chấn thương sọ não chiếm tới 48%; tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn cao trong máu chiếm 17,5% và những bệnh nhân tử vong do TNGT chiếm tới 3,5%. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân là nam giới bị TNGT, chấn thương sọ não chiếm tới 70%. Trong đó, độ tuổi từ 20 - 50 (độ tuổi lao động chính) vào khoảng 68%. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho biết, độ tuổi của nạn nhân TNGT rơi chủ yếu vào nhóm tuổi từ 18 - 55 tuổi, chiếm gần 70%. Nếu tính toán riêng, nhóm nạn nhân TNGT từ 27 tuổi trở xuống chiếm khoảng 35%. Vì vậy, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, TNGT hằng năm cướp đi của nền kinh tế Việt Nam khoảng 2,5% tổng GDP. Một phần nguyên nhân của sự thiệt hại khủng khiếp này chính là do lực lượng nam giới là trụ cột kinh tế của gia đình, xã hội gặp TNGT.

Xây dựng môi trường giao thông an toàn

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT như hiện nay là do kết cấu hạ tầng giao thông, các điểm giao cắt giữa hệ thống đường quốc lộ với hệ thống đường địa phương hầu hết là giao cắt đồng mức, tầm nhìn hạn chế; phương tiện tham gia giao thông về đêm tăng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tuyến đường có dải phân cách giữa nhưng không được đầu tư thiết bị chống chói, đinh phản quang và hệ thống điện chiếu sáng; các tuyến đường miền núi qua những đoạn đèo dốc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ TNGT; hệ thống thiết bị an toàn giao thông (ATGT), báo hiệu đường bộ còn thiếu, mức độ an toàn chưa đáp ứng yêu cầu giao thông. Do đó, để cải thiện cơ bản an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm, mới đây Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm 10%/năm so năm 2020 cho công tác bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp về hạ tầng.

Nhiều năm gắn bó với công tác bảo đảm ATGT, Vụ trưởng ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Vũ Ngọc Lăng cho rằng, TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân do hạ tầng, nguyên nhân do phương tiện, nguyên nhân do con người, trong đó nguyên nhân do con người vẫn là chủ yếu. Vì vậy, để đạt mục tiêu kéo giảm TNGT, rất cần một loạt giải pháp đồng bộ từ quy hoạch giao thông, đầu tư hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông... để cùng bảo đảm sự nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật. 

Năm 2020 - năm đầu tiên Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 đi vào cuộc sống, TNGT đang được kỳ vọng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiêm chỉnh chấp hành việc “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông đang có phần chuệch choạc.

Theo báo cáo của Cục CSGT, trong 11 tháng của năm 2020, lực lượng CSGT đã xử lý nồng độ cồn gần 156.500 trường hợp vi phạm. So với cùng kỳ năm 2019, số vi phạm bị CSGT xử phạt tăng 5.004 trường hợp, tương ứng 3,2%. Đáng chú ý, tình hình lái xe vi phạm nồng độ cồn có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm. Cụ thể, ngay trong những ngày đầu tháng 10-2020, cả nước liên tiếp xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây ra. Điển hình như ngày 11-10 tai nạn tại Thanh Hóa làm chết ba người; ngày 4-10 tai nạn tại Nghệ An làm chết năm người; ngày 12-10, tại Sơn Tây, Hà Nội làm chết một người, bị thương bảy người...

Mới đây, nhân ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2020, để tiếp tục kéo giảm TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhấn mạnh vào việc kêu gọi các cơ quan Nhà nước ở T.Ư và địa phương, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, cùng tự giác thực hiện đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy; luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô-tô; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông… cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông an toàn, thân thiện.