Song hành hai “nhà trường”

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: “Đào tạo nghề tại Việt Nam đã đến lúc phải hướng tới thực hiện song song hai “nhà trường”. Một nhà trường gắn với giảng đường, nhưng một nhà trường thứ hai cũng quan trọng không kém, đó chính là doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải là một trường nghề”.

Các trường dạy nghề cần thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo phù hợp, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH
Các trường dạy nghề cần thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo phù hợp, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH

“Bắt tay” đôi bên cùng có lợi

Mới đây, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp (DN). Theo đó, Trường cao đẳng (CĐ) Cơ khí nông nghiệp cam kết trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cung ứng ít nhất 21.500 nhân lực chất lượng cao thuộc các ngành nghề như: Công nghệ ô-tô, điện công nghiệp, điện tử - điện lạnh, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, hàn, kỹ thuật máy nông nghiệp, vận hành máy thi công nền, lái xe các hạng… và các ngành nghề ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, quy mô đào tạo của trường hơn 3.600 học sinh, sinh viên (HSSV) hệ chính quy và hơn 3.500 học viên ngắn hạn. Nhà trường luôn chú trọng liên kết với các DN trong suốt quá trình đào tạo, từ việc phối hợp xây dựng và chỉnh sửa các chương trình, giáo trình; hướng nghiệp, tuyển sinh; giảng dạy kỹ năng mềm cho HSSV, đánh giá đầu ra, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ thiết bị đào tạo đến tiếp nhận giáo viên và HSSV thực tập trải nghiệm giữa kỳ; tuyển dụng các em sau khi tốt nghiệp. DN cũng thường xuyên đặt hàng nhà trường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động tại DN. Đã có những DN gắn kết rất chặt chẽ với nhà trường thực hiện các công tác nêu trên, như Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty VPIC1, Tập đoàn Prime, Tập đoàn Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc, Công ty Nissin, Công ty Cammsys, Công ty Hyundai Vĩnh Yên… Đây cũng chính là các DN vừa thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với nhà trường.

Sự song hành này khiến kết quả đào tạo của nhà trường được đánh giá cao, hiệu quả với thị trường lao động. Đã có hai HSSV của trường tham gia thi tay nghề quốc tế khối các nước XHCN đoạt một giải nhất, một giải ba; một em đoạt Huy chương vàng thi tay nghề các nước ASEAN, 34 em đoạt giải trong kỳ thi tay nghề quốc gia, hơn 200 em đoạt giải trong các kỳ thi tay nghề cấp tỉnh, bộ và học sinh giỏi cấp THPT. Trong 5 năm vừa qua, nhà trường đã đào tạo và cung ứng cho xã hội hơn 20.000 lao động. 100% các em có việc làm trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập ổn định từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng.

Cùng thời gian kể trên, Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng đã ký kết hợp tác với Mercedes-Benz Việt Nam và Phòng Công nghiệp thương mại Đức để đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Đức đối với ngành Cơ điện tử ô-tô. Đây là lần đầu Mercedes-Benz hợp tác với một trường CĐ nghề của Việt Nam. Theo đó, trong thời gian 2,5 năm tới, Mercedes-Benz sẽ hỗ trợ cung cấp chương trình đào tạo lý thuyết, nền tảng về công nghiệp ô-tô và các sản phẩm của Mercedes-Benz. Bản ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên. Trong đó, Mercedes-Benz cam kết mỗi năm dành 20 suất học bổng cùng cơ hội làm việc tại hệ thống đại lý chính hãng của Mercedes-Benz cho học viên trường Lilama 2 tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao.

Cùng với việc đào tạo ở nhà trường, các học viên sẽ được thực hành tại các đại lý của Mercedes-Benz. Theo chương trình đào tạo, học viên sẽ trải qua các giai đoạn từ lý thuyết đến thực hành và áp dụng chuyên sâu. Sau khi tốt nghiệp, học viên được cấp các chứng chỉ từ Phòng Công nghiệp thương mại Đức, Trường cao đẳng Lilama 2 và Mercedes-Benz. Ngoài ra, học viên cũng sẽ được bảo đảm việc làm cùng những chế độ đãi ngộ hấp dẫn tại các đại lý ủy quyền chính thức của Mercedes-Benz.

Hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, từ nhiều năm qua, Trường CĐ Lilama 2 đã hợp tác với nhiều DN có uy tín trong và ngoài nước. Trong đó, đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của Đức được xem là hướng đi đột phá. Kỳ vọng, sự hợp tác này sẽ thành công và được nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Song hành hai “nhà trường” ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở trường đào tạo nghề cho lao động. Ảnh: NG.HẢI

Doanh nghiệp hưởng thành quả

Đến dự Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường với các DN tại Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cũng đã có buổi làm việc với Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp trong đào tạo và cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề cao giai đoạn 2020 - 2025.

Đến nay, Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia, 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức. Hàng trăm trường nghề đang đào tạo các nghề trọng điểm phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước...

Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động kỹ năng đang là một thách thức lớn. Nhiều DN hiện nay vẫn “mơ hồ” Việt Nam đang dư thừa lao động. Thực tế, lao động Việt Nam đang bắt đầu thiếu và gây khó khăn cho DN khi tuyển dụng. Cách đây bảy năm, đầu vào thị trường lao động của Việt Nam là 1,2 triệu thanh niên, nhưng đến năm 2018, con số ấy chỉ còn 400.000. Nhiều DN đang đứng trước tình trạng khan hiếm lao động kỹ năng. “Do đó, DN phải nhận thấy rằng, việc hợp tác với nhà trường là một cơ hội. Lâu dài, người thụ hưởng thành quả cũng chính là DN”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Về phía nhà trường, theo Bộ trưởng, việc ký kết với DN đáp ứng đào tạo 21.500 lao động trong 5 năm là một đơn hàng lớn. Tới đây, nhà trường cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền, xây dựng phương án tuyển sinh theo đơn đặt hàng của DN. Nhà trường cũng cần phối hợp ngay với từng DN để rà soát, chỉnh sửa các chương trình đào tạo cho phù hợp với loại hình DN để đáp ứng chuẩn đầu ra, đồng thời cập nhật, bám sát yêu cầu của DN, nhất là những yêu cầu mới. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, quá trình đào tạo phải có sự tham gia giảng dạy của phía DN.

Kinh nghiệm trong đào tạo nghề tại Đức cho thấy, học nghề khác với học hàn lâm. Học hàn lâm chủ yếu tiếp cận kiến thức trong nhà trường, trong khi học nghề phải tiếp cận kiến thức ở DN. Tại Đức, trong ba năm, việc học lý thuyết chỉ chiếm 30%, còn 70% là đào tạo trong DN. Khi sinh viên đi thực tập tại DN, năm thứ nhất sẽ được trả 840 euro, sang năm thứ hai tăng dần lên và đến năm thứ ba sẽ trở thành công nhân chính thức của DN. Tại các quốc gia như Đức, Pháp, Australia, New Zealand, DN phải tự đứng ra đào tạo lao động. Nhưng ở Việt Nam, nhà nước lại đang đào tạo cho DN.

Mới đây, Tập đoàn Toshiba đã đưa ra yêu cầu tuyển dụng 50 sinh viên chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu ngành nghề tại Nhật Bản. Trong số 251 người tham gia dự thi, có tới 49 sinh viên trường nghề trúng tuyển. Lý do là bởi các tập đoàn này đòi hỏi rất cao về kỹ năng tay nghề chứ không yêu cầu quá cao về lý thuyết.

“Đào tạo nghề sẽ chuyển hướng với 70% là thực hành. Chúng ta lúc nào cũng phải tồn tại hai “nhà trường”. Một nhà trường gắn với giảng đường, nhưng một nhà trường thứ hai cũng quan trọng không kém, đó chính là DN. Mỗi DN phải là một trường nghề. Chỉ có như vậy, giáo dục nghề của Việt Nam mới trở thành đào tạo kép; kỹ năng của lao động Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu của DN và chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực tốt”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói.

Doanh nghiệp được nhiều ưu đãi khi kết hợp đào tạo nghề
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ: Gắn kết với DN là một trong ba khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.
Bộ LĐ-TB&XH xây dựng một số chính sách khuyến khích: DN được ưu đãi về các loại thuế khi tham gia hoạt động GDNN (thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu). DN cũng được giao đất, cho thuê đất, xây dựng cơ sở vật chất.