Sớm khép kín các tuyến vành đai, cao tốc

Các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, cùng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Bến Lức - Long Thành là những trục giao thông huyết mạch, mang tầm chiến lược, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo đảm kết nối giao thông thông suốt giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam giai đoạn tới. Tuy nhiên, hiện công tác triển khai đầu tư xây dựng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Tuyến vành đai 2 thuộc đường Võ Chí Công, quận 2.
Tuyến vành đai 2 thuộc đường Võ Chí Công, quận 2.

Nhiều khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ

Ghi nhận tại tuyến vành đai 2, đoạn 3 (Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), trên công trường vắng bóng công nhân, máy móc thi công ngưng hoạt động, sắt thép hoen gỉ, cỏ dại mọc um tùm. 

Là hộ dân sống cạnh công trường dự án (DA), anh Đỗ Viết Hợp, ngụ phường Linh Đông (quận Thủ Đức) phản ánh, đường vành đai 2 là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch của TP Hồ Chí Minh nhưng không hiểu lý do gì lâu nay DA không được thực hiện tiếp, làm ảnh hưởng việc đi lại của các hộ dân sống ở khu vực DA.

Chia sẻ về vướng mắc của DA, ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái (chủ đầu tư (CĐT) thi công đoạn 3 thuộc tuyến vành đai 2 cho biết, DA được thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), một trong các loại hình DA thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với chiều dài hơn 2,7 km (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư hơn 2.765 tỷ đồng. Đến nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đã hoàn thành gần 92%. Công tác thi công cũng đạt gần 44% tổng khối lượng công việc, với khối lượng thi công ước đạt tương đương 448 tỷ đồng. Tuy nhiên, CĐT đang dừng thi công để chờ cơ quan chức năng tháo gỡ một số vướng mắc, chủ yếu là về mặt bằng trên địa bàn quận Thủ Đức và giải ngân chi phí mà CĐT đã chi trả (gần 1.400 tỷ đồng) theo điều khoản của hợp đồng đã được ký kết để tiếp tục triển khai. Với tiến độ này, sớm nhất thì năm 2021 mới có mặt bằng “sạch” để tiếp tục thi công, cộng với thời gian thi công thì nhiều khả năng đến năm 2023 mới khép kín vành đai 2.

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho thấy, theo quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay đã xây dựng đưa vào khai thác 50 km (đạt hơn 78% khối lượng). Đối với các đoạn tuyến còn lại có chiều dài khoảng hơn 14 km (chia làm bốn đoạn) đang gặp một số vướng mắc, chủ yếu liên quan mặt bằng trên địa bàn quận Thủ Đức và nguồn vốn để thi công khép kín toàn bộ tuyến đường. 

Còn đối với đường vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến hơn 98 km, bắt đầu tại Km 38+500 (lý trình đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh với chiều dài gần 54 km (chiếm tỷ lệ 55%); tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,3 km (chiếm 12%); tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,7 km (chiếm 27%); tỉnh Long An dài khoảng 6,65 km (chiếm 6%) và kết thúc tại Km 0+000. 

Quá trình thi công tuyến vành đai 3 hiện cũng đang bị “tắc” trên nhiều phân đoạn. Theo đó, đoạn 1 (gồm bốn tiểu DA thành phần): DA thành phần 1A và 1B do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý DA hạ tầng giao thông Cửu Long làm CĐT, đang triển khai các thủ tục để sớm khởi công vào quý III - 2021; đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương) cũng mới chỉ đưa vào khai thác với quy mô 6/10 làn xe; đoạn 3 (Bình Chuẩn - quốc lộ 22) và đoạn 4 (quốc lộ 22 - Bến Lức), CĐT đã trình Bộ GTVT xem xét và thẩm định. 

Còn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có khối lượng thi công đạt khoảng 10.663/13.624 tỷ đồng (78,28%) tổng giá trị các hợp đồng. Hiện, toàn tuyến đã bàn giao mặt bằng 1.144/1.161 hộ (tương đương 115,84/117,77 ha) đạt tỷ lệ 98%. Còn vướng 17 hộ dân tại huyện Bình Chánh chưa bàn giao mặt bằng. UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND huyện Bình Chánh hoàn thành công tác bồi thường GPMB trong quý IV - 2020. Bên cạnh đó, CĐT cũng chưa bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB theo quy định đối với các phân đoạn trên.

Đối với tuyến vành đai 4 có chiều dài khoảng 198 km, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Long An. Mặt cắt ngang hoàn chỉnh DA là từ 6 đến 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao các địa phương liên quan lập DA ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 các đoạn tuyến được giao trong quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. 

Tháng 10 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn kiến nghị Bộ GTVT đồng chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan để thống nhất phương án, kế hoạch đầu tư tuyến vành đai 3 và 4.

Trong khi đó, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) có quy mô đầu tư chiều dài khoảng 53 km, điểm đầu giao với đường vành đai 3 theo quy hoạch, điểm cuối tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Mặt cắt ngang DA giai đoạn 1 là bốn làn xe hạn chế với tổng chiều rộng nền đường 17 m, dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam; giúp nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP Hồ Chí Minh - Campuchia. Đồng thời, đảm nhiệm việc chia sẻ lưu lượng giao thông trên tuyến quốc lộ 22, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các địa phương dọc tuyến nói riêng và khu vực nói chung. Để gỡ vướng cho DA, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư DA; về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để dự án sớm được triển khai, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật.

Cần cơ chế linh hoạt

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh nhận định, nếu như tuyến đường vành đai 2 đảm nhận chức năng kết nối giao thông khu vực nội thành, thì các tuyến vành đai 3 và 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Khi hình thành kết nối sẽ giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển KT-XH của toàn vùng. Cùng với hệ thống các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Sân bay Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, sẽ tạo sự đồng bộ kết nối hạ tầng hoàn chỉnh của toàn khu vực theo quy hoạch.

Theo TS, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư vào các tuyến vành đai rất lớn nên TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương có tuyến đường đi qua cần chủ động phối hợp các bộ, ngành T.Ư triển khai hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để sớm triển khai thi công, tránh để thời gian kéo dài sẽ làm tăng nguồn vốn đầu tư. 

“Huy động các hình thức đầu tư khác nhau để thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế sẽ là bài toán tạo nguồn vốn dồi dào và nhanh chóng để thực hiện DA. Muốn vậy, chính quyền các địa phương cần kiến nghị T.Ư, đồng thời có sự chủ động trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách linh hoạt cho nhà đầu tư. Cần có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội, nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không thể làm nổi”, TS, KTS Võ Kim Cương gợi mở.

Trao đổi ý kiến với phóng viên Thời Nay, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA khép kín vành đai 2, sở đã kiến nghị UBND thành phố sớm xem xét, thẩm định đối với hồ sơ đề xuất các DA, nhằm thông qua HĐND thành phố trong tháng 12 này; chỉ đạo UBND quận Thủ Đức khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường GPMB để bàn giao mặt bằng trống cho CĐT thi công hoàn thành DA. 

Còn đối với tuyến vành đai 3, kiến nghị UBND thành phố đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn vốn T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 cho các DA để khép kín tuyến đường; giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan công tác GPMB; sớm bố trí nguồn vốn thực hiện công tác GPMB. Về tuyến vành đai 4, TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT đồng chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan có DA đi qua để thống nhất phương án, kế hoạch đầu tư.

Về phía TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến thuộc vành đai 4. Trong giai đoạn 2020 - 2025, cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giới cần GPMB, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025. Đối với các DA đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư trên địa bàn thành phố (vành đai 3, 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài...) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thành phố sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của thành phố hoặc huy động theo phương thức PPP để sớm hoàn thành các DA.