“Se duyên” cho bưởi

Tại “thủ phủ” bưởi Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh) những đôi tay thoăn thoắt như cánh ong, cánh bướm nhẹ nhàng đưa từng hạt phấn vào nhụy vàng của các bông hoa, giúp bưởi kết trái. Việc “se duyên” cho bưởi đang được người làng trên, xóm dưới, già trẻ gái trai nô nức thực hiện trong tiết trời mùa xuân. 

Chị Hoàng Thị Hiến ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch đang “se duyên” cho bưởi.
Chị Hoàng Thị Hiến ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch đang “se duyên” cho bưởi.

Thụ phấn bằng tay

Đôi tay vẫn thoăn thoắt trên những cánh hoa, chị Hoàng Thị Hiến ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch chia sẻ, cuối năm 2020, bưởi Phúc Trạch bất ngờ nở rộ hoa trong tiết đông chí khiến người dân hoang mang, lo lắng. Dù không thực hiện thụ phấn bổ sung nhưng tỷ lệ đậu quả của lứa hoa sớm vẫn khá cao. Tuy vậy, theo dõi quá trình sinh trưởng cho thấy quả bưởi đông chí phát triển không bình thường, nhiều quả không tròn có hình dẹt như bánh xe (nên người dân gọi là bưởi bánh xe hoặc bưởi su hào - PV). Theo kinh nghiệm, bưởi bánh xe sẽ không phát triển được, chất lượng cực kém nên bắt buộc phải loại bỏ. Vì vậy, mùa hoa bưởi năm nay người dân càng bận rộn hơn vì vừa phải thực hiện thụ phấn bổ sung, vừa phải ngắt hết những quả bưởi sớm kém chất lượng.

Tương tự, những ngày này, cả gia đình Nguyễn Thị Thắng, thôn 6, xã Hương Thủy cùng kéo nhau ra vườn để thụ phấn bổ sung cho cây bưởi. Người đi tìm, hái hoa bưởi chua, người dùng sào để “se duyên” cho những bông hoa nở trên cao, người lúi húi kết bạn cho những bông hoa còn lẩn khuất trong lá. Chị Thắng chia sẻ, gia đình có hơn 300 gốc bưởi, trong đó có hơn 200 gốc đã ra hoa. Cây bưởi là cây chủ lực, là nguồn thu nhập lớn nhất nên chúng tôi chăm sóc rất kỹ. Đặc biệt việc thụ phấn bổ sung quyết định đến năng suất của cả vụ nên chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian với hy vọng sẽ có một vụ bội thu. Cũng như nhiều hộ khác trong thôn, không chỉ thụ phấn, chúng tôi còn phải cắt bỏ quả bưởi ra sớm nhưng chất lượng kém để giữ sức cho cây nuôi quả chính vụ. 

Thương hiệu chung của Hà Tĩnh

Theo chia sẻ của người dân địa phương, thụ phấn bổ sung cho bưởi không khó, người dân chỉ cần lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa bưởi đường. Dù không quá phức tạp nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì khi hoa bưởi rất nhỏ và nhiều. Do nhiều hộ dân có diện tích bưởi lớn, ra hoa đồng loạt, nhân công trong gia đình không kịp thụ phấn nên phải thuê thêm người. Chị Phan Thị Ngàn, thôn Tân Hương, xã Hương Trạch - người nhiều năm làm nghề đi thụ phấn hoa bưởi chia sẻ, nghề này khá vất vả vì nhiều khi phải leo lên đến ngọn cây và phải làm liên tục vì chỉ có thể làm khi thời tiết mát mẻ mới có hiệu quả cao. Do đó, mỗi ngày tôi chỉ làm việc khoảng bốn tiếng vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, tiền công cho nghề này cũng khá cao, khoảng 200 nghìn đồng/ngày công.

Ông Võ Văn Trình ở thôn 1, xã Phúc Trạch cho biết, mặc dù bưởi là cây trồng chủ lực của địa phương, tuy nhiên có những thời điểm bưởi Phúc Trạch ra hoa nhưng không đậu quả, kéo dài trong khoảng 10 năm (từ năm 2005 - 2015). Nhiều người chán nản, muốn chặt bỏ, song phần lớn người dân vẫn chăm sóc, đặt niềm tin vào cây bưởi. Nhờ khoa học kỹ thuật, người nông dân biết thụ phấn bổ sung, bưởi lại cho năng suất trở lại. Người dân lại phấn khởi chiết cành, mở rộng diện tích. Bây giờ, bưởi Phúc Trạch không chỉ là tên riêng của địa phương mà đã thành đặc sản mang thương hiệu chung của Hà Tĩnh. Chỉ riêng huyện Hương Khê diện tích trồng bưởi Phúc Trạch đã tăng từ 1.500 ha (năm 2015) lên gần 3.000 ha, trong đó, diện tích đã cho quả là 1.761 ha. Giá trị thu hoạch từ bưởi Phúc Trạch năm 2020 đạt 739,5 tỷ đồng, tăng 559,5 tỷ đồng so năm 2015. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hương Khê Lê Quang Vinh đánh giá, hoa bưởi Phúc Trạch năm nay nở hai đợt, đợt đầu trong tiết đông chí đến tiết đại hàn và đợt chính vụ này trong tiết lập xuân, giai đoạn thời tiết nắng đẹp nên rất thuận lợi cho việc thụ phấn bổ sung của người dân, cây bưởi cũng dễ đậu quả hơn. Tuy nhiên, thời tiết thời điểm này đang thiếu độ ẩm, người dân cần tưới nước bổ sung để bảo đảm quá trình sinh trưởng cho cây. Còn việc quả bưởi đông chí có hình dẹt bánh xe là hiện tượng dị hình, theo kỹ thuật, Phòng NN&PTNT khuyến cáo người dân cần loại bỏ hết để bảo đảm năng suất mùa vụ. 

Theo ông Lê Quang Vinh, sau khi cây bưởi đậu quả người dân cũng cần thực hiện tỉa những quả yếu, kém chất lượng, không nên để quá nhiều quả trên một cây. Đặc biệt, người dân cũng cần chăm sóc, bón phân bổ sung để cây bưởi nuôi quả, theo dõi dịch bệnh để kịp thời xử lý, chữa trị.