Sắc xanh Quảng Ngãi

Đến thăm những mô hình “nông nghiệp xanh” trên vùng đất Quảng Ngãi, chúng tôi thấy sắc xanh ngút ngàn của các loại rau quả, trái cây, chuối già Nam Mỹ và cây gai xanh đang phát triển nhanh với quy trình sản xuất nông nghiệp 4.0.

Công nhân Farm 24-3 Quảng Ngãi tuyển chọn chuối xuất khẩu.
Công nhân Farm 24-3 Quảng Ngãi tuyển chọn chuối xuất khẩu.

Những cánh đồng xanh

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho rằng: Hiện nay mô hình sản xuất “nông nghiệp xanh” được bà con quan tâm đầu tư phát triển nhanh, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đáp ứng sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng. 

Được biết, tỉnh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Khu kinh tế Dung Quất và Nông trường 24-3 Đức Phổ (nay là Farm 24-3 Quảng Ngãi). Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai quy trình đầu tư nông nghiệp 4.0 với hơn 400 cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa và cánh đồng mẫu trong sản xuất lạc, mía, dưa hấu và cây ăn quả…, tổng diện tích hơn 8.500 ha. Quy trình thực hiện canh tác mô hình “nông nghiệp xanh” trên các cánh đồng mẫu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng sản phẩm xuất khẩu và tăng giá trị kinh tế đáng kể…

Trong tiết trời se lạnh, mưa phùn, chúng tôi thấy sắc xanh của rau cải, mướp hương, khổ qua và dưa leo. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư sản xuất theo quy trình nông nghiệp 4.0 nên năng suất cây trồng tăng, nhiều sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao. Nổi bật là mô hình sản xuất lúa cao sản, ở xã Đức Tân, mô hình Măng Tây, ở xã Đức Chánh, Đức Thắng (huyện Mộ Đức) và phường Phổ Hòa (thị xã Đức Phổ). Tại huyện Sơn Tịnh, nông dân cũng đang tất bật khắc phục “sa bồi, thủy phá” sau lũ lụt, tập trung sản xuất vụ đông xuân.

Bà con cho biết: Hiện nay địa phương sản xuất theo mô hình “cánh đồng xanh”, gieo sạ giống lúa cao sản và áp dụng quy trình sản xuất “ba giảm, ba tăng”, ICM, IPM. Dự án công nghệ cao sản xuất chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị gia tăng với hơn 30 ha, sử dụng các giống lạc LDH09, LDH01, L14, với năng suất bình quân ước đạt 40 tạ/ha, thu nhập của nông dân tăng gấp hai lần so cây trồng khác. Mô hình “nông nghiệp xanh”, ở huyện Bình Sơn đã sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, chú trọng đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đến nay huyện đã được cấp nhãn hiệu đối với cây hành tím, cây nghệ, dầu phụng và xây dựng mã vạch cho cây dưa hấu, tham gia thực hiện chương trình OCOP từ năm 2018 đến nay.

Hiệu quả các mô hình “nông nghiệp xanh” đã góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc trưng từ vùng biển như: hành, tỏi Lý Sơn, nén Bình Phú, nếp ngự Sa Huỳnh. Ở vùng cao như quế Trà Bồng, chè Minh Long, gà kiến, ớt xiêm Sơn Hà… đang dần tiếp cận thị trường lớn. Đến nay, Quảng Ngãi đã có 15 sản phẩm đầu tiên đủ điều kiện công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn ba đến bốn sao OCOP như nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, tỏi đen Volnaco…

Mơ nhiều hơn nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, thiết bị, máy móc tiên tiến trong những khu nuôi cấy mô, khu nhân giống vật nuôi và khu nông - lâm kết hợp chăn nuôi… Nhờ đó, các sản phẩm trong sản xuất rau, quả, chuối già Nam Mỹ xuất khẩu và các sản phẩm thương phẩm đạt chất lượng khá cao. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình “nông nghiệp xanh” sau hơn hai năm đầu tư, Giám đốc Farm 24-3 Quảng Ngãi Lê Dưỡng cho biết: “Công ty đã và đang hiện thực hóa giấc mơ từ vùng đất cằn cỗi thành một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi đầu tư hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung, tổ chức sản xuất gắn với chế biến và thị trường theo chuỗi, nhằm gia tăng giá trị hàng hóa. Công ty ưu tiên tạo việc làm cho người dân địa phương. Mơ ước xa hơn là công ty sẽ tập trung đầu tư vừa phát triển kinh tế, vừa dần hình thành trung tâm khoa học thực tiễn lĩnh vực nông nghiệp 4.0 gắn phát triển du lịch địa phương”.

Theo Giám đốc Lê Dưỡng, công ty hiện đang sở hữu đất sản xuất hơn 709,44 ha,  đến nay đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để kéo điện, khảo sát và đưa cơ giới hóa vào phục vụ cải tạo đất và sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Hiện tại với hàng chục công nhân, nông dân đang tất bật làm đất, xuống giống cây dược liệu, cây gai xanh và đang chăm bón 5.000 cây mít ruột vàng, ruột đỏ Thái-lan, chuối già Nam Mỹ xuất khẩu. Ngoài chuối và mít, hiện công ty còn trồng 4.000 cây bưởi da xanh, 2.000 cây ổi Ruby, 1.000 cây bơ và trang trại chăn nuôi bò thịt cho sinh sản 400 con, cùng với một chuồng nuôi thử nghiệm bò thịt 100 con.

Kể từ khi chính thức cổ phần hóa, Farm 24-3 Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo cán bộ kỹ thuật và chính thức “khai sinh” trên vùng đất cằn cỗi với một nền nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, đạt giá trị kinh tế cao, bảo đảm cho mục tiêu vừa xuất khẩu vừa “lấy ngắn nuôi dài”.